Bất động sản

BĐS tuần qua: Hà Nội đề xuất tăng 15% giá đất, mỗi năm Vingroup chi gần 1.000 tỷ đồng trả lợi nhuận condotel

(VNF) - Mỗi năm Vingroup chi trả gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận condotel; Tập đoàn xây dựng Miền Trung cùng 2 ‘ông lớn’ tính rót hơn 4.000 tỷ làm khu đô thị tại Thanh Hóa; Hà Nội đề xuất giảm 15% giá đất giai đoạn 2020-2024 so với ban đầu; Chậm xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho Hà Nội; 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận: Cơ hội lướt sóng nhà đất?... là những thông tin bất động sản đáng chú ý nhất trong tuần qua.

BĐS tuần qua: Hà Nội đề xuất tăng 15% giá đất, mỗi năm Vingroup chi gần 1.000 tỷ đồng trả lợi nhuận condotel

Mỗi năm Vingroup chi trả gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận condotel

Vingroup đã chi 3.000 tỷ trả lợi nhuận cam kết cho 3.000 khách hàng condotel

Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng của Vingroup, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Vingroup có 3.000 khách hàng tại 3 dự án condotel ở Nha Trang và Đà Nẵng.

Theo bà Lộc, các dự án này đã đi vào hoạt động ổn định trong vòng 3 năm qua. Với mức cam kết lợi nhuận 10%/năm, mỗi năm Vingroup chi trả khoảng 900 tỷ đồng tiền cam kết lợi nhuận cho khách hàng.

“Tính trong vòng 3,5 năm qua, Vinpearl đã chi trả khoảng 3.000 tỷ đồng cho khách”, bà Lộc nói.

Được biết dự án condotel có tiếng vang gần đây mà Vingroup tham gia là Grand World Phú Quốc. Tại dự án này, các căn condotel được cam kết lợi nhuận ở mức 10% trong vòng 3 năm. So với trước kia, thời hạn cam kết tại dự án này đã giảm xuống.

Lý giải việc này, bà Lộc cho hay Vingroup không hề cảm thấy lo ngại về thời hạn chi trả cam kết lợi nhuận bị kéo dài. Việc chỉ cam kết 3 năm là do tại Phú Quốc, Vingroup đã có sẵn hệ sinh thái hoạt động và vận hành ổn định.

“Chúng tôi tính toán chỉ 3 năm sau là khách hàng có thể an tâm với lợi nhuận từ sản phẩm đầu tư”, bà Lộc chia sẻ.

Vị “nữ tướng” của Vingroup cũng cho rằng mức lợi nhuận cam kết 10% mà tập đoàn này đang áp dụng là khả thi. (Xem thêm)

Tập đoàn xây dựng Miền Trung cùng 2 ‘ông lớn’ tính rót hơn 4.000 tỷ làm khu đô thị tại Thanh Hóa

Ngày 4/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm chủ trì hội nghị nghe liên doanh Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty Cổ phần xây dựng và lắp ráp Trung Nam - Công ty Cổ phần xây dựng phát triển Hòa Bình nêu ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa.

Theo đó, dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã có tổng diện tích là 48ha, gồm 3 phân khu chính: khu phức hợp, khu thương mại và khu dân cư. Mục tiêu dự án là xây dựng thành một khu đô thị mới gắn kết với không gian truyền thống, tạo lập môi trường sống đáp ứng các yêu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân.

Dự án này có tổng chi phí thực hiện dự kiến lên đến 4.193 tỷ đồng. (Xem thêm)

Hà Nội bất ngờ đề xuất giảm 15% giá đất giai đoạn 2020-2024 so với ban đầu

Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký tờ trình gửi HĐND thành phố xem xét ban hành nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Theo đó, để xác định bảng giá đất mới, cơ quan khảo sát đã xác định 584 điểm điều tra tại 584 phường, xã, thị trấn (386 xã, 177 phường và 21 thị trấn) thuộc địa bàn 30 quận/huyện/thị xã.

Với giá đất ở đô thị, giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các quận nội thành phổ biến từ 10 triệu đồng/m2 đến 500 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các huyện phổ biến dao động từ 1,2 triệu đồng/m2 đến 70 triệu đồng/m2.

UBND TP. Hà Nội thừa nhận "giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất của UBND thành phố". Tuy nhiên, bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng.

Vì vậy, UBND thành phố thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019. (Xem thêm)

Chậm xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng ra 'tối hậu thư' cho Hà Nội

Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực, tuy nhiên UBND TP. Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. (Xem thêm)

4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận: Cơ hội lướt sóng nhà đất?

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Theo đề án này, huyện Đông Anh và Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.

Huyện Thanh Trì, Gia Lâm được định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ.

Bà Đỗ Thu Hằng đánh giá đây có thể xem là một tin đáng mừng cho thị trường bất động sản của các huyện, bởi động thái đầu tư xây dựng chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ đô thị hóa của các huyện, phát triển hạ tầng – kĩ thuật và tác động tích cực lên giá nhà đất.

Tuy vậy, bà Hằng cũng lưu ý quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày một ngày hai mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025.  Vì vậy, giá bất động sản những khu vực này có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình.

“Những hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời. Đó cũng là kinh nghiệm các nhà đầu tư có được từ các thị trường đi trước. Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học; đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm. Bởi có những trải nghiệm như vậy của các nhà đầu tư nên tôi cho rằng trước thông tin này, thị trường bất động sản tại các huyện không cần quá lo”, bà Hằng cho biết.

Nhận định về thực trạng sốt đất tại một số vùng ở các huyện sắp lên quận, bà Hằng cho rằng từng khu vực có thể sẽ có mức tăng giá khác nhau, tùy thuộc vào mức độ đầu tư, thời điểm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiện ích. (Xem thêm)

Dự án Sunshine Avenue: Đất Xanh Đông Nam Bộ ‘hết tiền’, tiếp tục thất hứa trả nợ cho khách hàng

Mặc dù cam kết sẽ trả lại tiền cho khách hàng mua nhà tại dự án Sunshine Avenue (quận 8, TP. HCM) vào cuối tháng này, thế nhưng Đất Xanh Đông Nam Bộ lại tiếp tục thông báo “hết tiền” và hứa sẽ hoàn tiền cho khách hàng vào cuối tháng 4/2020.

Dự án Sunshine Avenue nằm tại phường 16, quận 8, TP. HCM do Công ty TNHH dịch vụ đầu tư và kinh doanh địa ốc Minh Bình (Công ty Minh Bình) làm chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án là Công ty Cổ phần dịch vụ và đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ.

Dự án này được xây dựng trên diện tích đất 7.493m2 gồm khối nhà cao 25 tầng (1 tầng hầm). Tổng số căn hộ của dự án này là 639 căn.

Được khởi công vào giữa tháng 3/2018 nhưng đến nay dự án Sunshine Avenue vẫn “án binh bất động” và có dấu hiệu ngưng trệ. Nhận thấy vậy, thời gian qua, nhiều khách hàng mua nhà đã đòi lại tiền đặt cọc giữ chỗ và yêu cầu Đất Xanh Đông Nam Bộ đền bù thiệt hại theo các khoản thỏa thuận ban đầu. (Xem thêm)

Tin mới lên