Nhân vật

BIDV bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT, ghế Chủ tịch vẫn là ẩn số

(VNF) - Một trong những điểm đáng lưu ý nhất trong đại hội đồng cổ đông BIDV là việc HĐQT ngân hàng này trình cổ đông bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT sau khi BIDV đã có 2 thành viên HĐQT nghỉ từ tháng 11/2017.

BIDV bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT, ghế Chủ tịch vẫn là ẩn số

Ông Phạm Quang Tùng sẽ trở thành thành viên HĐQT BIDV

Hôm nay (21/4), Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2018.

Một trong những điểm đáng lưu ý nhất trong đại hội là việc HĐQT BIDV trình cổ đông bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT sau khi ngân hàng đã có 2 thành viên HĐQT nghỉ từ tháng 11/2017.

Theo đó, ông Phạm Quang Tùng được đề cử làm thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2020. Đại hội dự kiến sẽ thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên vì lý do nghỉ hưu.

Ông Phạm Quang Tùng sinh năm 1971 công tác tại BIDV từ năm 1996, tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ tháng 11/2005 với vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc (BIDV-QBE). Sau đó, ông Tùng được giao quản lý và điều hành Bảo hiểm BIDV trên cương vị Giám đốc công ty từ tháng 1/2006.

Ngày 1/10/2010, ông Tùng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIC. Từ tháng 11/2010, ông cũng kiêm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc BIDV.

Từ 1/6/2016, ông Tùng chuyển sang làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Tuy nhiên chỉ một năm rưỡi sau, ông Phạm Quang Tùng đã thôi giữ chức Chủ tịch VDB để chuyển công tác về làm việc tại BIDV theo quyết định của Thủ tướng.

Ông Phạm Quang Tùng về BIDV trong bối cảnh "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT vẫn còn bỏ trống từ thời ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu.

Năm 2018, BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; Huy động vốn tăng trưởng 17%; Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 2%.

Đáng chú ý, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng năm 2018, tăng 7,3% so với năm 2017.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự định chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt

HĐQT BIDV cho biết, năm 2018, ngân hàng sẽ tập trung thực hiện tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho Nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính) và thực hiện các biện pháp tăng vốn khác.

Cùng với đó là thực hiện Phương án cơ cấu BIDV gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng thông qua các biện pháp thu hồi nợ quá hạn, nợ bán VAMC, kiểm soát giới hạn tín dụng đối với những ngành nghề có hệ số rủi ro cao; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo đúng định hướng.

Phía BIDV cho hay ngân hàng này sẽ tập trung gia tăng và củng cố chất lượng nền khách hàng, đặc biệt là phân khúc khách hàng bán lẻ và SMEs; giảm dần mức độ tập trung vào nhóm các khách hàng lớn có mức độ rủi ro cao. Đồng thời đẩy mạnh các nguồn thu phi tín dụng, đặc biệt tập trung phát triển thu dịch vụ ròng nhằm cải thiện cơ cấu thu nhập ròng.

Giống như nhiều ngân hàng thương mại khác, BIDV cũng ưu tiên phát triển chiến lược Ngân hàng số (digital banking) trên tất cả các mặt hoạt động kinh doanh, quy trình sản phẩm, kênh phân phối.

Tin mới lên