Tài chính quốc tế

Bloomberg: Nga hưởng lợi lớn nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng

(VNF) - Theo các nhà phân thích của Bloomberg, Nga sẽ ghi nhận lợi nhuận “đáng kinh ngạc” nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục duy trì hoặc tăng cao.

Bloomberg: Nga hưởng lợi lớn nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng

Căng thẳng địa chính trị và sự chênh lệch ngày càng tăng giữa cung và cầu đã khiến giá xăng dầu tăng lên.

Cụ thể, theo ước tính của Bloomberg, ngân sách Nga có thể thu về 65 tỷ USD nếu giá dầu Brent duy trì ở mức 90 USD/thùng trong năm nay. Và nếu con số này tăng tới 100 USD/thùng thì Nga sẽ thu được từ 73-80 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ.

Việc giá khí đốt tăng cũng sẽ có tác động tích cực đến nguồn thu, các chuyên gia của Bloomberg nhấn mạnh.

“Khoản này bổ sung vào vùng đệm tài chính của Nga vào đúng thời điểm, giúp Nga trụ vững trong trường hợp khủng hoảng do các lệnh trừng phạt”, nhà phân tích Scott Johnson của Bloomberg cho biết, và nói thêm lợi nhuận năm nay của Nga từ xăng dầu và khí đốt sẽ "lớn đáng kinh ngạc".

Về phần mình, nhà kinh tế Sofya Donets từ Renaissance Capital nhận định rằng tình hình ngân sách của Nga là cực kỳ ổn định.

“Vị thế tài chính của Nga siêu ổn định đến mức ngay cả khi giá dầu giảm, khó có thể làm tổn hại đến vị thế này trong tình hình hiện tại", Bloomberg dẫn lời ông Donets.

Theo tờ New York Times, căng thẳng địa chính trị và sự chênh lệch ngày càng tăng giữa cung và cầu đã khiến giá xăng dầu tăng lên.

Theo dự báo của ngân hàng JPMorgan, giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị “trật bánh” do căng thẳng với Ukraine.

Cũng theo cảnh báo của ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ, nếu xuất khẩu dầu của Nga bị cắt giảm một nửa, giá dầu Brent có thể sẽ chạy đua lên 150 USD/thùng, phá vỡ kỷ lục mức cao nhất mọi thời đại của giá dầu được thiết lập vào tháng 7/2008, khi dầu Brent tăng vọt lên mức 147,50 USD/thùng.

Với vị thế là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên số 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Nga đóng vai trò chủ chốt tại OPEC+, vì vậy, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ.

Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể tìm cách trừng phạt Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này, mặc dù các quan chức Mỹ đã ra dấu hiệu ưu tiên trừng phạt các lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này trước.

Theo sau đó là nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa bằng cách vũ khí hóa xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ khi các nhà máy và nhà máy điện chuyển sang sử dụng dầu thay thế.

Xem thêm >> Số phận Dòng chảy phương Bắc 2 chưa ngã ngũ, lượng dự trữ khí đốt tại Đức giảm sâu

Tin mới lên