Bộ GTVT: Lập nghiên cứu khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Hải Đăng - 07/07/2022 20:40 (GMT+7)

(VNF) - Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ được Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng lập dự án khôi phục và triển khai đầu tư theo hình thức PPP.

VNF
Tuyến đường sắt xe lửa răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt đang được xúc tiến phục hồi lại nhằm phục vụ khai thác du lịch.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản chấp thuận giao nhà đầu tư chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng có trách nhiệm trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đường sắt và quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.

Nhà đầu tư đề xuất dự án có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí thực hiện công tác lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư phải nộp Hồ sơ đề xuất dự án trước ngày 31/12/2022.

Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án; rà soát, trình thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật về phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Trước đó, ngày 8/6, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã gửi văn bản xin Bộ GTVT cho lập hồ sơ dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP. Doanh nghiệp cam kết chịu mọi rủi ro, chi phí trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Vào tháng 3/1899, Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã tiến hành một cuộc khảo sát tại cao nguyên Lang Biang với mục đích xây dựng Đà Lạt thành một khu nghỉ dưỡng. Hai năm sau, Paul Doumer ký sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Song sau đó 10 năm, dự án này mới bắt đầu được xúc tiến.

Năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng chiều dài 84km, hành trình qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là đèo Ngoạn Mục và đèo D’Ran, chính thức hoàn thành. Toàn tuyến có ba đoạn (tổng 16km) phải chạy trên những cung đường sắt răng cưa với độ dốc 12%, gồm: đèo Sông Pha - Eo Gió, đoạn Đơn Dương - Trạm Hành, đoạn Đa Thọ - Trại Mát.

Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành công nghiệp đường sắt thế giới đầu thế kỷ XX.

Vào những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, do chiến tranh diễn ra khốc liệt nên tuyến đường sắt này tạm ngừng hoạt động. Sau tháng 4/1975, tuyến được khôi phục và hoạt động, chủ yếu là chuyên chở nông sản tiếp tế xuôi ngược Phan Rang – Lâm Đồng…

Năm 1986, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác tàu du lịch.

Cùng chuyên mục
Tin khác