Bất động sản

Bộ GTVT sẽ sử dụng cát biển đắp đường ở đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau

(VNF) - Bộ GTVT dự kiến sẽ triển khai sử dụng cát biển đắp đường với đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau. Sau khi thử nghiệm sẽ có đánh giá để khoanh vùng cấp mỏ khai thác cát biển đưa vào sử dụng đắp đường.

Bộ GTVT sẽ sử dụng cát biển đắp đường ở đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau

Bộ GTVT sẽ sử dụng cát biển đắp đường ở đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau.

Ngày 28/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Trả lời báo chí tại cuộc họp về phương án để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bắc – Nam giai đoạn II, ông Nguyễn Tiến Minh, Cục phó Cục Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết 47 triệu m3 đất đắp nền các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn này tập trung ở 4 địa phương có cát cơ bản đáp ứng trữ lượng gồm: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng.

Nghị quyết của Chính phủ cho phép sử dụng cơ chế đặc thù nâng công suất các mỏ tối đa lên 50% và khai thác các mỏ mới giao cho nhà thầu triển khai.

"Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TNMT làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL có nguồn cát và cả những địa phương không có nguồn vật liệu. Thủ tướng Chính phủ đã xác định đây là dự án quan trọng quốc gia, nên các tỉnh có nguồn vật liệu đều có trách nhiệm chung", ông Minh cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Minh cũng cho biết tại các buổi làm việc với các địa phương, Bộ TNMT đã yêu cầu các địa phương có nguồn cát làm thủ tục triển khai các mỏ mới, giao các tỉnh theo thứ tự ưu tiên dự án nào cần trước thì cấp trước để phân bổ nguồn cát đảm bảo tiến độ thi công các dự án.

Song song với việc nghiên cứu khoanh vùng khu vực khoáng sản của Bộ TNMT, Bộ GTVT chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu cùng các Ban QLDA về việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp đường.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Minh cũng cho hay theo đánh giá của đơn vị tư vấn, về cơ bản cát biển đáp ứng yêu cầu về thành phần hạt để đắp nền đường. "Hiện tư vấn đang đánh giá việc ảnh hưởng của nhiễm mặn với môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường", ông Minh nói.

Đặc biệt, Bộ GTVT dự kiến sẽ triển khai sử dụng cát biển đắp đường với đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau. Sau khi thử nghiệm sẽ có đánh giá để khoanh vùng cấp mỏ khai thác cát biển đưa vào sử dụng đắp đường.

"Dự kiến, đến cuối năm 2023 mới có thể có đánh giá về việc sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường. Hiện thi công cao tốc vẫn sử dụng cát sông", ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, để khắc phục những hạn chế về vật liệu trong thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho nhà thầu được khai thác mỏ.

"Năm vừa qua Chính phủ cũng ban hành 2 Nghị quyết quan trọng (Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133) cho phép nhà thầu rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ (theo quy định ban đầu là 13 bước nhưng đã được rút ngắn đối với giai đoạn II), ông Minh nói.

"Hiện nay, vật liệu để xây dựng cao tốc giai đoạn I và giai đoạn II cơ bản được đáp ứng. Đặc biệt, vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về tiến độ triển khai thi công dự án", ông Minh cho biết thêm.

Được biết, theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3 (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 18,5 triệu m3, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 17,8 triệu m3, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m3, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m3).

Chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó, nhu cầu trong năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3. Trong khi đó, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế.

Hiện nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ) có tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, với công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3.

Trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém (hạt mịn) lẫn nhiều tạp chất (hàm lượng bùn sét lớn hơn quy định), không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.

Nguồn cát sông từ các tỉnh thượng lưu sông Tiền và sông Hậu (An Giang và Đồng Tháp) hiện nay khoảng 23,1 triệu m3 với công suất khai thác hàng năm khoảng 7,5 triệu m3, trữ lượng còn lại chỉ khoảng 9,4 triệu m3.

Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng 88,11 triệu m3 (trong đó An Giang khoảng 54,54 triệu m3, Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3). Đặc biệt, Bộ GTVT đã có văn bản gửi 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL.

Đặc biệt, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL.

Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành: đối với một số khu vực mỏ cát sông có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và các vị trí có tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các địa phương hỗ trợ, cho phép tư vấn được khoan khảo sát thăm dò, lấy mẫu để đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác.

Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương liên quan cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu. Đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời chỉ đạo Sở TN&MT, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện…

Tin mới lên