Bộ Tài chính: 'Giảm thuế nhập khẩu với xe điện sẽ làm giảm thu ngân sách'

Lê Ngà - 08/09/2022 11:53 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Tài chính đề xuất chưa xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN đối với xe điện, bởi sẽ làm giảm thu ngân sách do doanh nghiệp sẽ lợi dụng chính sách giảm thuế 0% để nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

VNF
Bộ Tài chính: 'Giảm thuế nhập khẩu với xe điện sẽ làm giảm thu ngân sách'

Mới đây, một số doanh nghiệp và Hiệp hội cơ khí (VAMI) đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính đề xuất lộ trình giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với dòng xe ô tô sử dụng động cơ điện trong thời gian 2 năm để phát triển xe ô tô điện thay thế xe ô tô dùng nhiên liệu hóa thạch.

Cụ thể, ô tô chở người sử dụng động cơ điện mã HS 8703.80.99: áp dụng thuế suất 0% từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024. Từ ngày 1/1/2025 trở đi áp dụng mức thuế suất là 70%.

Ô tô chở hàng sử dụng động cơ điện mã HS 8704.60.91, 8704.60.92, 8704.60.93: áp dụng thuế suất 0% áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024. Từ ngày 1/1/2025 trở đi áp dụng mức thuế suất là 70% và 25%.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy dịnh đối với dòng xe ô tô thân thiện với môi trường tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế; chính sách ưu đãi đối với dòng xe này được thực hiện từ năm 2020 đến nay.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam mới chỉ có Công ty VinFast đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện. Việc đầu tư sản xuất ô tô điện đòi hỏi có chiến lược đầu tư dài hạn, số vốn đầu tư rất lớn, có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chính sách về phát triển pin và nhiều nguồn lực có liên quan khác.

Nếu giảm thuế nhập khẩu MFN trong vòng 2 năm nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước để qua đó tạo động lực phát triển xe điện như đề xuất, trong khi các doanh nghiệp chưa có phương án hay dự án đầu tư bài bản cho việc sản xuất xe điện thì không những không khuyến khích phát triển sản xuất trong nước mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của Việt Nam. Đồng thời, ảnh hưởng đến doanh nghiệp hiện đã đầu tư sản xuất chủng loại xe này trong nước và giảm thu ngân sách do doanh nghiệp sẽ lợi dụng chính sách giảm thuế 0% để nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất chưa xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN đối với xe điện.

Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa lại mô tả HS 9849.46.00 thành: “Engine ECU và các bộ điều khiển khác được sử dụng cho xe có động cơ"

Liên quan tới kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bổ sung một số mặt hàng vào danh mục nhóm 98.49 (mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế), như: bổ sung bộ điều khiển khác tương tự động cơ ECU điều khiển động cơ; một số mặt hàng là nguyên liệu, vật tư tiêu hao (keo, các loại ông, vít, bu lông, giấy, tấm, phiến, vòi, van, ổ bi, rơ le, sàn phẩm sắt hoặc thép...) và một số mặt hàng loa, máy điều hòa không khí, Bộ Tài chính cho biết qua rà soát các mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được như mặt hàng bộ điều khiển động cơ ô tô, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Tập đoàn Thành Công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung mặt hàng "Engine ECU, loại sử dụng cho xe có động cơ" có HS 9849.46.00 (tương ứng với mã hàng HS 8537.10.99 tại 97 Chương) vào danh mục các mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu tại nhóm 98.49 để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế.

Theo kiến nghị của VAMA đề nghị mở rộng đối với các bộ điều khiển khác tương tự mặt hàng Engine ECU, Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa lại mô tả HS 9849.46.00 thành: “Engine ECU và các bộ điều khiển khác được sử dụng cho xe có động cơ".

Đối với các mặt hàng là nguyên liệu, vật tư, tiêu hao hoặc bộ phận linh kiện điện tử của xe ô tô (keo, các loại ông, vít, bu lông, dây, tấm, phiến, vòi, van, rơ le, sản phàm sắt hoặc thép...), Bộ Tài chính đề xuất không đưa nội dung nhóm này vào nhóm 98.49 do đây là các mặt hàng cơ bản trong nước đã sản xuất được.

Bộ Tài chính cho biết đối với mặt hàng máy điều hòa không khí cho ô tô, căn cứ theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT thì mặt hàng này trong nước đã sản xuất được, do đó không đưa vào danh mục nhóm 98.49.

Còn đối với mật hàng loa chưa lắp ráp vào trong vỏ loa (HS 8518.29.90), mặt hàng này trong nước chưa sản xuất được và chưa kiểm soát được số lượng linh kiện khi sản xuất, lắp ráp ô tô. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng này vào nhóm 98.49.

Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã có văn bản gửi đến Chính phủ đề nghị xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với dòng xe HEV (Hybrid Electric Vehicles), PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicles) – dòng xe lai giữa xăng và điện.

Theo văn bản này, VAMA cho biết trong xu thế phát triển hiện nay, hạ tầng giao thông của Việt Nam đang dần đáp ứng được các điều kiện khả thi cho phát triển dòng xe HEV và PHEV. Bên cạnh đó, trong quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc dự kiến xây dựng trong các năm tới, đã tính toán triển khai hệ thống trạm sạc điện, vốn không đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng kỹ thuật.

Để khuyến khích người tiêu dùng dần chuyển sang sử dụng các dòng xe có thể di chuyển quãng đường dài như ô tô chạy xăng mà ít gây ô nhiễm môi trường do mức phát thải thấp, VAMA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với dòng xe hybrid như HEV, PHEV để có sự chuyển đổi hài hoà sang xe điện thuần.

Theo VAMA, sau khi các dòng xe trên được giảm thuế, giá hợp lý sẽ thu hút người tiêu dùng quan tâm, nhiều doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư lớn, đồng bộ để phát triển hệ thống trạm sạc; tích hợp với giao thông tĩnh có thể sạc điện trong lúc đỗ xe; hệ thống nguồn phát điện bảo đảm đủ nguồn điện sạch… Các ưu đãi với xe điện, xe lai điện có thể sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo, và từ sau năm 2050 sẽ không cần chính sách hỗ trợ riêng khi dòng xe này đã có thị phần nhất định trên thị trường.

Xem thêm: Sau tháng Ngâu, Subaru Forester giảm giá 230 triệu đồng, 'đấu' với Hyundai Tucson

Cùng chuyên mục
Tin khác