Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tinh gọn Tổng cục Thuế, sắp xếp theo 3 cấp

Thái Hà - 19/12/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc sắp xếp, tinh gọn Tổng cục Thuế sẽ được thực hiện theo mô hình 3 cấp, tương tự mô hình của các nước trong khu vực.

Sáng nay 19/12/2024, tại tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã hé lộ về việc sắp xếp, tinh gọn và mô hình mới của Tổng cục Thuế.

“Đến giờ phút này, Bộ Tài chính cơ bản đã trình lên Chính phủ các chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy để chờ phê duyệt và thực hiện. Tinh thần Tổng cục Thuế chúng tôi đang trình theo mô hình 3 cấp: Thuế Nhà nước, Thuế khu vực và dưới nữa là thuế cấp quận, huyện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, đây là mô hình thuế đang được áp dụng tại nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Ông Thắng cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tinh giản bộ máy để đạt các mục tiêu mà Trung ương đặt ra, thực sự bộ máy phải hoạt động theo mô hình thông lệ quốc tế, đạt được hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

“Dứt khoát không làm hình thức. Đây là việc một lần phải rà soát để tổ chức bộ máy cho phù hợp chứ không phải làm để đối phó. Việc tinh giản Tổng cục Thuế và tất cả các nơi đều phải thể hiện bằng con số cụ thể, giảm bao nhiêu đầu mối, bao nhiêu con người, tiết kiệm bao nhiêu cho ngân sách...”, ông Thắng nói thêm.

Theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tiếp nhận thêm một số đầu mối khác và sắp xếp 5 tổng cục, trong đó bao gồm Tổng cục Thuế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, quá trình này sẽ đòi hỏi kinh phí thực hiện, nhiều trường hợp bị ảnh hưởng nhưng bộ máy tinh gọn sẽ tác động tích cực đến xã hội.

Theo ông Thắng, đất nước muốn phát triển, chi đầu tư phát triển phải lớn, phải nhiều và phải cao hơn chi thường xuyên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ chi thường xuyên vẫn chiếm tới 70% chi ngân sách, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh - quốc phòng. Trong khi đó, tại các nước phát triển, tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm 48-50% chi ngân sách.

“Như vậy, rõ ràng bộ máy của chúng ta đang có vấn đề… Việc tinh giảm bộ máy giúp đạt được mục tiêu: một việc chỉ một cơ quan làm, một cơ quan làm nhiều việc. Không phải một việc cắt khúc ra giao cho nhiều cơ quan, giẫm chân nhau, gây khó dễ và làm chậm tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, ngành Thuế cần quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành thuế; đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, doanh nghiệp và người dân.

“Quá trình triển khai cần đặc biệt chú trọng phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức và định hướng tư tưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động các đơn vị trong toàn ngành để ủng hộ, chia sẻ, chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tỉnh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thuế cho hay, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18/2017 về sắp xếp, tinh giảm bộ máy, trong các năm qua, Tổng cục Thuế đã cắt giảm 27 đầu mối cấp phòng (giảm 44%); cục thuế giảm 62 đầu mối cấp phòng; chi cục giảm từ 711 xuống còn 413 chi cục; cắt giảm 290 đầu mối, tinh giảm hơn 4.957 đội xuống còn hơn 2.100 đội.

'Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí là rất khó'

'Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí là rất khó'

Tiêu điểm
(VNF) - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí là rất khó. Do vậy, công tác này cần phải được tiến hành khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản.
Cùng chuyên mục
Tin khác