'Chưa ai bỏ rượu vào cặp kỹ thuật số rồi mang đi biếu cả'
Trong phần tự bào chữa ngày 19/7 ở phiên tòa xử đại án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã phản bác lại những lời khai của Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an.
Ông Tuấn cho rằng việc Hưng khai vali chứa 4 chai rượu vang là "trơ tráo, nghe không được". Theo ông Tuấn, bản thân ông và Hưng nhiều lần được tặng, biếu rượu vang, cũng như chính họ cũng mang rượu vang đi tặng, biếu. Vì vậy ông Tuấn cho rằng chưa ai bỏ rượu vào cặp kỹ thuật số mang đi biếu cả, trừ khi rượu để sẵn trong hộp dạng vali của nhà sản xuất.
Đối với tình tiết Hưng khai tại tòa cho rằng chính ông là người hướng dẫn Hằng làm tường trình, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội phản bác và giải thích, cá nhân ông không hiểu rõ bản chất vụ án như Hưng nên không thể hướng dẫn.
“Tại tòa tôi rất phục anh Hưng, vì anh ấy trình bày thuyết phục được người khác theo ý mình. Anh ấy đe dọa, hiểu theo cách nào đó là đe dọa đề nghị tách vụ án ra điều tra bổ sung, chị Hằng phải chịu thêm trách nhiệm ở phiên tòa khác về tội đưa hối lộ. Anh ý đe dọa rất khéo léo. Còn với tôi anh ý ngoặc cho thêm tội lừa đảo chiếm đoạt...”, ông Tuấn trình bày.
>>>Xem thêm: Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội: 'Chưa ai bỏ rượu vào cặp kĩ thuật số rồi mang đi biếu cả'
'Công chức né tránh, đùn đẩy công việc… đẩy doanh nghiệp vào khó khăn'
Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh “Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HHDN tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.
Theo ông Đoan, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi ngay lập tức vướng phải những quy định về luật phòng cháy chữa cháy, tình trạng mất điện đột ngột và liên tục. Bên cạnh đó, do kinh tế chính trị thế giới có diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào khan hiếm, đơn hàng giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm.
Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp phải đối mặt với những bất cập như xu hướng cải cách hành chính có phần bị chững lại; gần đây xuất hiện tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công viêc… đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.
Để đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, ông Đoan kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp. Đồng thời, mạnh dạn có những giải pháp có tính đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, ban hành các chính sách thực sự phù hợp hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm triển khai.
>>>Xem thêm: ‘Công chức né tránh, đùn đẩy công việc… đẩy doanh nghiệp vào khó khăn’
'Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới'
Cũng tại Diễn đàn phát triển kinh doanh mới đây, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, theo phản ánh của các chuyên gia, chi phi của DN tăng lên một phần là do có nhiều quy định không phù hợp, nhiều nơi thắt chặt quản lý một cách thái quá. Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong. Tôi cảm nhận thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó bên trong cũng “thắt”. Nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao. Đúng là phải kiểm soát các quy chuẩn nhưng cần nới lỏng các vấn đề về quản lý trong một chừng mực nào đó.
Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ, cần phải tiếp tục cải cách thể chế. Việc cải cách không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh. Cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp".
"Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ", ông Hiếu khuyến nghị
>>>Xem thêm: 'Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới'
'Cần có cách làm mới, giải pháp đột phá'
Phát biểu tại hội thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng: “Việc tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện; công tác quản lý Nhà nước đối với giá điện, thị trường điện, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành giá điện, thị trường điện, tái cơ cấu ngành điện, mô hình tổ chức quản lý cả ở góc cạnh quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp… đang cần giải quyết”.
Về vấn đề này, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay các chi phí cấu thành giá điện được tính đúng và giá điện được điều chỉnh theo biến động thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đất nước. Từ khi ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường, giá bán lẻ điện được điều chỉnh không những đảm bảo tài chính bền vững cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, vận hành hệ thống mà còn đảm bảo tài chính cho các nhà đầu tư ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng “nhạy cảm”, việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nên trong một số năm, giá điện được giữ ổn định.
Vì thế, ông Quang cho rằng, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển thị trường điện. Mục tiêu là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng. Cần ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực; bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền...
'Đúng được luật này lại trái luật khác, cán bộ không dám ký, gác bút cho lành'
Theo GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, kể từ năm 2020, thị trường bất động sản biểu hiện sốt giá. Việc sốt giá này có nguyên nhân sâu xa là hệ thống pháp luật còn nhiều khoảng trống, chồng chéo, nhất là Luật Đất đai 2013 chưa được sửa đổi kịp thời, làm cho việc phê duyệt các dự án đầu tư bị dừng lại.
Hiện nay, Quốc hội đang cho xây dựng nhiều luật sửa đổi có liên quan đến phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, giữa 3 luật này luôn xảy ra tình trạng chồng chéo với nhau tạo nên các khoảng xung đột pháp luật gây “nghẽn đường” phát triển thị trường bất động sản.
Theo ông Võ, đây còn là nguyên nhân chính làm cho các cán bộ có thẩm quyền không dám hạ bút ký các dự án đầu tư hay các công văn hướng dẫn thi hành pháp luật. “Đúng được luật này thì lại trái luật khác, vậy nên “gác bút cho lành”. Cứ như vậy dòng chảy phát triển sẽ bị tắc nghẽn và cuộc sống đành nằm yên chờ đợi”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia, lãnh đạo lâu năm về quản lý đất đai thì cách “chữa bệnh” này vẫn thường dùng đơn thuốc “một luật sửa nhiều luật”. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hợp lý vì sự phát triển càng mạnh thì sự rắc rối pháp luật càng nhiều. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân chính gây ra tình trạng xung đột pháp luật hiện nay và loại bỏ được nguyên nhân đó thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
>>> Xem thêm: 'Đúng được luật này lại trái luật khác, cán bộ không dám ký, gác bút cho lành'