BĐS tuần qua: Phát ngôn nóng tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

Lệ Chi - 18/02/2023 13:45 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho rằng nếu không có giải pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ phá sản; Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn xin tháo gỡ khó khăn cho dự án Aqua City Đồng Nai trong 1 tháng; Thủ tướng: Không ai giải cứu ai, doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình... đây là những thông tin được quan tâm trong cuộc họp nóng về bất động sản.

VNF
BĐS tuần qua: Nóng hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản

Chủ tịch Vinhomes: Nếu không có giải pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ phá sản

Phát biểu tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra sáng nay (17/2), Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa đánh giá thị trường bất động sản hiện nay đang có những vướng mắc nổi cộm như: thủ tục pháp lý phê duyệt các dự án còn chậm, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phát hành được….

Trong khi đó, thị trường bất động sản là lĩnh vực có liên quan mật thiết tới rất nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và các chuỗi cung ứng phụ trợ khác, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới cuộc sống của hàng triệu lao động, cũng như mang lại nguồn thu cho rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Hoa, điều đáng tiếc là tuy lực cầu rất cao nhưng nguồn cung hiện nay lại quá thấp, hoàn toàn chưa đáp ứng được thị trường. Hiện diện tích sàn bình quân trên đầu người tại Việt Nam mới chỉ đạt rất thấp, còn cách xa so với nhu cầu người dân cũng như mức bình quân của thế giới.

Trong khi cầu đang vượt quá cung thì khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp lại có hạn. “Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu sẽ càng thiếu hơn”, ông Phạm Thiếu Hoa nói. (Xem thêm)

Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn xin tháo gỡ khó khăn cho dự án Aqua City Đồng Nai trong 1 tháng

Kiến nghị tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Novaland, ông Bùi Thành Nhơn, khẳng định trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua.

Cụ thể, Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị: xin Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước. 

"Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay. Dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...", ông Nhơn đề xuất. 

Ông cho biết hiện Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường. (Xem thêm)

Chủ đầu tư hết tiền, gán nợ cho nhà thầu bằng bất động sản dở dang pháp lý

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch GP.Invest ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Đây là vấn đề lớn của xã hội và ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường xây dựng - bất động sản.

Không chỉ không thanh toán được cho trái chủ khi đến hạn, một số chủ đầu tư không có dòng tiền để thanh toán cho nhà thầu đã gán nợ bằng sản phẩm bất động sản chưa đủ pháp lý. Điều này càng làm cho thị trường thêm rối rắm và gây ra nhiều phức tạp: một loạt công ty xây dựng trong top 10 của Việt Nam đứng trước nguy cơ về tài chính.

Bởi vậy, ông Hiệp cho rằng rất cần thiết cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Và bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành, ông Hiệp cũng cho rằng rất cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền. (Xem thêm)

Khoảng 30 tỷ USD đang 'đóng băng' trong hàng nghìn dự án bất động sản dang dở

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cho biết dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng có số lượng lên đến cả nghìn, với giá trị đầu tư khoảng 800 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội. 

Đến cuối năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Từ quý IV/2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới quá ít.

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...

Doanh nghiệp môi giới lỗ nặng, khó khăn. Điển hình nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, phải nghỉ Tết sớm, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Trong tháng 1/2023, không ít chủ doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ đã phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng. Hàng chục vạn môi giới, chiếm tới 80% lực lượng đã phải dừng hoạt động. (Xem thêm)

Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình mong hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với trái chủ

Trong bài tham luận gửi đến gửi đến hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, đánh giá thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp. Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau, đa số là phản đối việc nhà nước giải cứu bất động sản.

Theo ông Hải, những doanh nghiệp bất động sản đã đóng góp rất lớn cho ngành kinh tế chung cả nước. Đặc biệt các chủ đầu tư bất động sản có quy mô hầu hết đều tham gia các dự án bất động sản du lịch lớn. Cùng với đó, sự phát triển của bất động sản cũng kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng.

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành bất động sản cũng như xây dựng và vật liệu xây dựng, ông Lê Viết Hải kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi nhằm duy trì hoạt động ổn định cho những doanh nghiệp bất động sản và toàn bộ hệ sinh thái của ngành này.

Đồng thời, Chính phủ cần có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhằm trang trải các khoản nợ đến hạn; hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ về thời hạn thanh toán các khoản vay để không phải huy động một lượng tiền khổng lồ xử lý các khoản nợ ngay lập tức khi đến hạn. (Xem thêm)

Thủ tướng: Không ai giải cứu ai, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình

Kết luận hội nghị “Tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên.

Các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng. Các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… bởi "nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được".

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương.

Về phía doanh nghiệp, theo Thủ tướng, các doanh nghiệp BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Theo đó, cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

"Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tinh thần của hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, “không ai giải cứu cho ai", người đứng đầu Chính phủ cho biết sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn các chủ thể phải thực hiện ngay các công việc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác