Tài chính

‘Cần chế tài mạnh để loại bỏ từ trong suy nghĩ việc vi phạm trên TTCK’

(VNF) - Trước một loạt quyết định giúp thanh lọc thị trường chứng khoán của cơ quan chức năng, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng cần phải có chế tài mạnh tay để loại bỏ ngay từ trong suy nghĩ các hành vi vi phạm, tránh việc sẵn sàng bỏ ra khoản nộp phạt nhỏ để thu về khoản lợi ích lớn.

‘Cần chế tài mạnh để loại bỏ từ trong suy nghĩ việc vi phạm trên TTCK’

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA, tại Talkshow Phố Tài chính

Tại Talkshow Phố Tài chính, đánh giá về các quyết định giúp thanh lọc thị trường chứng khoán (TTCK) của cơ quan chức năng, ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA, cho rằng các sự việc gần đây không phải là những vụ án hình sự đầu tiên, trước đó trong quá khứ đã có 3-4 trường hợp bị khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây (2020-2021), mỗi năm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt khoảng 300 trường hợp, thu về khoảng 22 tỷ đồng tiền phạt nhưng không có trường hợp xử lý hình sự.

“Tôi nghĩ việc các cơ quan chức năng mạnh tay hơn trong việc thanh lọc đối với các hành vi vi phạm là một hành động quyết liệt. TTCK Việt Nam hiện có nhiều hàng hóa và nhiều cơ hội, lượng tiền mặt giao dịch hàng ngày ngày càng nhiều, dễ dẫn đến việc gia tăng các đối tượng có ý đồ lợi dụng và mong muốn kiếm về không chỉ vài tỷ mà hàng trăm nghìn tỷ đồng”, ông Lê Long Giang nói.

Theo ông, cần có những chế tài mạnh tay để loại bỏ ngay từ trong suy nghĩ các hành vi vi phạm, tránh việc sẵn sàng bỏ ra khoản nộp phạt nhỏ để thu về khoản lợi ích lớn.

Cũng nhận định về vấn đề trên, ông Võ Đình Trí, giảng viên Trường IPAG Business School Paris (Pháp), cho rằng hành động xử lý của các cơ quan quản lý trong thời gian qua là một dấu hiệu tích cực để cho thị trường lành mạnh hơn, từ đó có thể tiệm cận với thị trường thế giới, thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư hơn.

Theo ông Trí, các khung hình phạt xử lý hình sự và xử lý hành chính trong những trường hợp gần đây là những khung hình phạt nghiêm khắc, mạnh nhất. Tương tự như các quốc gia khác, chế tài chính cho các vi phạm chủ yếu là xử phạt hành chính như phạt tiền, phạt cấm giao dịch hoặc phạt doanh nghiệp vi phạm không được tiếp tục phạt tiền, cao nhất là hình thức phạt tù một vài năm đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

"Cần bổ sung Luật Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính"

Tại talkshow, các chuyên gia đồng quan điểm về việc các nhà đầu tư cần phải trang bị kiến thức cơ bản về sản phẩm, hình thức đầu tư cũng như mức độ rủi ro. Trước những biến cố rủi ro thì việc tìm đến văn phòng luật sư chuyên nghiệp, uy tín để có những lời khuyên tốt nhất, đảm bảo tuân thủ pháp lý là cần thiết. Bởi trên thực tế, những công ty chuyên đi săn trái phiếu rác với tỷ suất sinh lời và rủi ro cao cũng có một đội ngũ luật sư hùng hậu dể đảm bảo về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng vai trò của cơ quan quản lý là cần thiết để giám sát, kiểm soát các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính.

Theo Luật Chứng khoán năm 2019, cách quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là giám sát 3 cấp. Trong đó, cấp một là các công ty chứng khoán tự giám sát.

Giám sát cấp hai là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch TP. HCM (HoSE), giám sát cấp 3 là UBCKNN.

Ông Lê Long Giang cho rằng với 3 cấp độ quản lý giám sát như trên, TTCK Việt Nam sẽ ngày càng trở minh bạch hơn và hạn chế được tối thiểu những giao dịch làm thị trường và các nhà đầu tư bị thiệt hại. 

Về phía ông Võ Đình Trí, chuyên gia này cho rằng cần bổ sung Luật Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, tách rời luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.

“Trong cộng đồng châu Âu, có một bộ luật ra đời từ năm 2007 gọi là MiFID và tới năm 2018 được nâng cấp thành phiên bản thứ hai, chủ yếu quy định về việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư cá nhân, kiểm soát chặt chẽ trong việc cung cấp các dịch vụ đầu tư của các bên”, ông Võ Đình Trí cho biết.

Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường Tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Tin mới lên