Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình do Geleximco xin đầu tư có diễn biến mới

Chí Bình - 04/05/2023 14:27 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Đây là dự án được Geleximco xin chủ trương lập đề xuất đầu tư vào tháng 7 năm ngoái.

VNF
Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km. (Ảnh minh họa)

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, tổng chiều dài tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình khoảng 60,9km, được xây dựng theo quy mô 4 làn xe đầy đủ, chiều rộng nền đường 24,75m.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 18.823 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay). Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.312 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT 9.511 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư).

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép tách dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, giao UBND tỉnh Thái Bình có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP.

Với đoạn cao tốc đi qua tỉnh Ninh Bình dài 25,3km, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giao tỉnh này đầu tư bằng vốn ngân sách. Trong tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn trung ương.

Trong khi chờ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư đường cao tốc, để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (chủ trương đầu tư) cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

Tháng 3 vừa qua, kết luận về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Chính phủ cho biết Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Chính phủ lưu ý UBND tỉnh Thái Bình rà soát lại tổng thể phương án đầu tư bảo đảm tính đúng, tính đủ sát thực tế, khả thi, phù hợp với quy định; trong đó lưu ý dự toán công trình (suất vốn đầu tư).

Đối với đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tách đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình và giao tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công và đề xuất phương án nghiên cứu đầu tư đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan tính toán lại phương án bảo đảm hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2023. 

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các nhà tư vấn tăng tỷ lệ thu xếp vốn của nhà đầu tư tham gia dự án, đảm bảo phần vốn góp của nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư (phân kỳ từ nay đến năm 2025).

Tháng 7 năm ngoái, Geleximco đã văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn này là nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trên và làm việc với các địa phương có dự án theo đúng các quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp này cam kết sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư với thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất và nhanh chóng đưa dự án vào thi công xây dựng, sớm hoàn thành công trình để đưa vào khai thác.

Cùng chuyên mục
Tin khác