Nhân vật

Chân dung tỷ phú KP Ramasamy, người được 25.000 nhân viên nữ gọi là 'cha'

(VNF) - Nhờ cổ phiếu nhà sản xuất hàng may mặc KPR Mill tăng 1/3 giá trị trong năm qua, người sáng lập công ty là ông KP Ramasamy đã lọt top 100 tỷ phú Ấn Độ, theo danh sách mới được Forbes công bố.

Chân dung tỷ phú KP Ramasamy, người được 25.000 nhân viên nữ gọi là 'cha'

Ông KP Ramasamy, người sáng lập và Chủ tịch của KPR Mill.

Tỷ phú mới của Ấn Độ

"Đóng đô" tại thành phố Coimbatore ở miền nam Ấn Độ, KPR Mill sản xuất khoảng 128 triệu sản phẩm may mặc hàng năm, từ quần áo thể thao đến quần áo ngủ. Những thành phẩm cuối cùng này sẽ được bày bán trên kệ quần áo của các nhà bán lẻ quốc tế như H&M, Marks & Spencer và Walmart. 

Công ty cũng sản xuất sợi, dệt và đường nhưng đang đặt cược lớn vào hàng may mặc xuất khẩu. Hai năm trước, công ty đã mở một nhà máy mới với công suất sản xuất 42 triệu sản phẩm dệt kim hàng năm. Nhờ chiến lược tăng cường sản xuất trong bối cảnh thị trường dệt may toàn cầu đang tăng trưởng giá trị, KPR đã được hưởng "trái ngọt".

Cổ phiếu của KPR đã tăng 1/3 trong năm qua nhờ doanh thu tăng 28% lên 62,5 tỷ rupee (750,8 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3.

Công ty niêm yết này được lấy tên từ người sáng lập và chủ tịch là ông KP Ramasamy, người lần đầu lọt vào danh sách những người giàu nhất Ấn Độ năm nay ở vị trí thứ 100 với tài sản ròng là 2,3 tỷ USD, theo Forbes.

Từ con trai nhà nông thành doanh nhân thành công

Ông KP Ramasamy, 74 tuổi, sinh ra trong một gia đình nhà nông. Dù có học lực tốt nhưng ông đã từng phải bỏ học đại học do cha ông không thể cáng đáng học phí cho 4 cậu con trai. 

Ramasamy bắt đầu hành trình kinh doanh của mình vào những năm 1970 với một chiếc máy dệt chạy điện và khoản tiền 8.000 rupee vay từ chú của mẹ mình.

Ông và các anh trai của mình đã thành lập công ty KPR Mill vào năm 1984 và phát triển nó thành doanh nghiệp may mặc dệt kim tích hợp hoàn toàn như ngày nay, tức khép kín toàn bộ quy trình kéo sợi bông thành sợi, đan sợi thành vải, gia công vải, sản xuất hàng may mặc và xuất khẩu. 

Quy trình khép kín và công nghệ tích hợp hoàn toàn sợi bông giúp KPR có lợi thế với chi phí sản xuất thấp hơn so với các công ty cùng ngành chưa tích hợp.

Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, ông Ramasamy cho biết họ không có tham vọng lớn lao nào ngoài việc kiếm sống. Ông chia sẻ: “Thành thật mà nói, chúng tôi không đặt ra bất kỳ mục tiêu nào là đạt được nhiều như vậy hoặc kiếm được nhiều tiền như vậy”. 

Năm 2004, doanh số công ty đạt 500 crore. Đến năm 2007, ba anh em nhà KP bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư tư nhân và niêm yết cổ phiếu sau khi tìm được 3 nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ. Bắt đầu với mức giá 50 paise (1 paise = 1/100 rupee), giờ đây cổ phiếu công ty rơi vào khoảng 900 rupee (10,8 USD)/cp.

KPR cho biết 157 triệu sản phẩm may mặc dệt kim mà họ sản xuất và xuất khẩu hàng năm cho các thương hiệu quần áo thời trang toàn cầu như Marks & Spencer, H&M và Primark mang lại khoảng 40% doanh thu cho công ty. 

Công ty cũng đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ vào năm 2019 với thương hiệu nội y và thể thao nam cao cấp FASO, bán từ 2.500 cửa hàng trên khắp miền nam Ấn Độ và thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ông KP Ramasamy cho biết: “Lẽ ra bây giờ chúng tôi phải đi khắp Ấn Độ, nhưng vì Covid-19 nên kế hoạch đã bị trì hoãn”.

Khi tình hình kinh doanh phát triển, những thách thức cũng tăng theo. Việc cắt điện thường xuyên khiến công việc bị gián đoạn. 

KPR từng đầu tư vào các nhà máy gió nhưng năng lượng gió chỉ có được 6 tháng trong một năm. Công ty phải khai thác một máy phát điện từ Karnataka trong nửa năm còn lại. 

May mặc và dệt may là một thị trường đầy biến động với sự cạnh tranh khốc liệt. Lạm phát nhanh và giảm phát về giá nguyên liệu thô, đặc biệt là bông, khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Rất may, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành dệt may Ấn Độ nói chung và KPR đã tìm lại được cơ hội phát triển. Mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may trị giá 100 tỷ USD của chính phủ vào năm tài chính 2028 cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cho công ty, được liệt kê là một trong năm nhà sản xuất dệt may hàng đầu trong nước.

Ông Ramasamy cho rằng thành công hiện tại là nhờ kỹ năng ra quyết định dũng cảm của mình. “Trong số mười quyết định, hai hoặc ba quyết định có thể sai lầm. Nhưng đúng 70% là điều tốt”, ông chủ KPR nói.

Phúc lợi nhân viên là ưu tiên hàng đầu

Cuối những năm 90, khi một công nhân nhà máy trẻ hỏi Chủ tịch KP Ramasamy rằng liệu ông có thể giúp cô hoàn thành chương trình học hay không, ông đã nhớ lại quãng thời gian phải bỏ học của mình, và quyết định giúp cho các nhân viên thực hiện ước mơ học tập. 

Ban đầu, một chương trình trao đổi thư từ đã được sắp xếp cho khoảng 50 công nhân nữ tại nhà máy của họ. Giờ đây, khoảng 27.000 nữ nhân viên của KPR đã hoàn thành chương trình giáo dục nhờ sự giúp đỡ của công ty, sau đó có thể lựa chọn làm việc ở nơi khác hoặc quay lại làm việc cho KPR Mill.

“Nhân viên hài lòng là những người làm việc tốt hơn. Đó là việc đôi bên cùng có lợi”, vị Chủ tịch KPR cho biết. Ông nói thêm rằng phương châm này đã giúp công ty đứng vững ngay cả khi trải qua đại dịch Covid-19. 

Khi các nhà máy trên khắp đất nước đóng cửa vào năm 2020, KPR Mill đã cho công nhân của mình lựa chọn: Nếu bạn ở lại, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thức ăn, chỗ ở, lương đầy đủ và dịch vụ giải trí. Mỗi nhà máy trong số 12 nhà máy của họ đều có phòng chiếu phim, cơ sở thể thao và khán phòng. Chiến lược này đã khiến công ty giữ chân được phần lớn nhân sự.

Mỗi sáng tới công ty, Chủ tịch KP Ramasamy không đi thẳng tới văn phòng mà sẽ đi quanh để chào hỏi mọi người, nơi ông được 25.000 nhân viên nữ của công ty gọi là "appa" (người cha). Tới thời gian ăn trưa, ban quản lý công ty cũng dùng bữa chung với tất cả nhân viên của mình.

Trong số những quyết định được đưa ra, ông chủ KPR cho rằng việc tạo phúc lợi cho nhân viên là ưu tiên quan trọng hàng đầu, và luôn cố gắng tạo điều kiện cho tất cả nhân công của mình.

Xem thêm >> Ấn Độ bắt giữ lãnh đạo hãng smartphone Vivo của Trung Quốc do nghi ngờ rửa tiền

Tin mới lên