Chất lượng tài sản của các doanh nghiệp xây dựng: Đã vơi bớt nỗi lo
Ái Châu Tử -
28/02/2024 17:57 (GMT+7)
(VNF) – Các khoản phải thu ít đi, tỷ trọng trong cơ cấu tổng tài sản cũng giảm xuống; dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hoặc tăng ít, hoặc giảm mạnh; dòng tiền kinh doanh dương với giá trị lớn… là những biểu hiện cho thấy chất lượng tài sản của các doanh nghiệp xây dựng phần nào đã được cải thiện trong năm 2023.
Bớt căng
Với ngành xây dựng, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp có lẽ là nợ đọng. Nhà thầu đã thi công, đồng nghĩa phải ứng tiền ra trước, nếu chủ đầu tư dự án chậm trả, hoặc không trả, nhà thầu có thể lâm vào tình trạng khốn cùng, nhất là ở quy mô lớn.
Hai năm trở lại đây, câu chuyện nợ đọng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, mà nguyên do chính là các chủ đầu tư dự án bất động sản khát tiền nghiêm trọng, khiến việc thanh toán cho nhà thầu không đảm bảo tiến độ, thậm chí không thanh toán. Nhà thầu chính, trước bị chủ đầu tư “om” tiền, sau bị nhà thầu phụ/nhà cung cấp đòi nợ, rơi vào cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. Có nhà thầu chính bi đát đến nỗi phải gán cả bất động sản dở dang, cả máy móc thiết bị trong kho để trừ nợ.
Cho đến hết năm 2023, vẫn còn hàng loạt nhà thầu có các khoản phải thu giá trị lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng tài sản. Thống kê của Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đối với 20 doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam (đang niêm yết và tự công bố thông tin) cho thấy có tới 12 doanh nghiệp có các khoản phải thu chiếm hơn 40% tổng tài sản, gồm: Tổng công ty Thăng Long - HNX: TTL (43%), Fecon - HoSE: FCN (45%), Đua Fat – UPCoM: DFF (46%), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – UPCoM: HAN (46%), Tổng công ty Xây dựng Số 1 – HoSE: CC1 (47%), Phục Hưng Holdings – HoSE: PHC (50,6%), Ricons (52,5%), Coteccons – HoSE: CTD (57%), Hòa Bình – HoSE: HBC (67,5%), Tracodi – HoSE: TCD (72%), Hưng Thịnh Incons – HoSE: HTN (77%) và lớn nhất là Tập đoàn Xây dựng SCG – HNX: SCG (93%).
Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực trong năm 2023 là đã có 12/20 doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm của các khoản phải thu. Trong đó, giảm mạnh nhất là Vinaconex – HoSE: VCG (giảm 35%), HAN (giảm 22%), HBC (giảm 20%) và CC1 (giảm 17%). Tỷ trọng của khoản phải thu trong cơ cấu tổng tài sản vì thế cũng giảm theo, đơn cử như HBC, giảm từ 72% cuối năm 2022 xuống chỉ còn 67,5% khi kết năm 2023.
Đi liền với sự sụt giảm của các khoản phải thu, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của nhiều doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Thống kê cho thấy có 8 doanh nghiệp có dự phòng lớn đã giảm được giá trị của khoản dự phòng, trong đó giảm mạnh nhất là: Công ty Cổ phần SCI - HNX: S99 (giảm 85%), TCD (giảm 60%), VCG (giảm 43%).
Với các doanh nghiệp có dự phòng tăng trưởng như Ricons (tăng gấp 13 lần), Licogi 18 – HNX: L18 (tăng 29%), HBC (tăng 3%), CTD (tăng 0,8%), có thể thấy hai điều. Thứ nhất, những doanh nghiệp tăng mạnh dự phòng thì có số dự phòng không lớn, như Ricons chỉ 250 tỷ đồng, L18 chỉ 101 tỷ đồng, nên giá trị tuyệt đối tăng thêm là không quá lớn. Thứ hai, những doanh nghiệp có số dự phòng rất lớn lại chỉ tăng rất ít, như CTD hay HBC.
Những chuyển biến này cho thấy trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã khống chế được tình hình công nợ, hay tốt hơn là đã gặt hái được thành tựu đáng kể trong công tác thu hồi nợ, qua đó giải quyết được phần nào áp lực tài chính cũng như có điều kiện tiếp tục nhận thầu thi công.
Ở chỉ số hàng tồn kho, những chuyến biến tích cực cũng đã xuất hiện. Theo đó, có 9/20 doanh nghiệp được thống kê ghi nhận sự sụt giảm của giá trị hàng tồn kho. Trong số này, giảm mạnh nhất là HTN (giảm 46%), Sông Đà 11 - HNX: SJE (giảm 22%) rồi tới Tổng công ty Sông Đà - UPCoM: SJG (giảm 21%), CTD (giảm 17%), VCG (giảm 11%).
Nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng hàng tồn kho trong cơ cấu tổng tài sản ở mức cao (trên 30%), số lượng là khá ít, chỉ đếm chưa hết số ngón trên một bàn tay, gồm: Xây dựng Số 5 – HoSE: SC5 (32,6%), L18 (60%) và Cotana – HNX: CSC (70,4%).
Và tổng kết lại, chỉ có 5/20 doanh nghiệp mà tổng tỷ trọng của các khoản phải thu và hàng tồn kho vượt trên 80% tổng tài sản, gồm: HBC (85%), L18 (89%), CSC (90%), HTN (90%) và SCG (97%).
Cải thiện tiền bạc
Ngoài những chuyển biến nêu trên, một chỉ dấu mang tính tích cực khác của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2023 là dòng tiền kinh doanh của phần lớn đơn vị ở trạng thái tích cực. Theo đó, có 13/20 doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh dương, gồm: CTD (536 tỷ đồng), HBC (1.393 tỷ đồng), HTN (259 tỷ đồng), Ricons (9 tỷ đồng), FCN (409 tỷ đồng), VCG (3.301 tỷ đồng), S99 (454 tỷ đồng), SJE (195 tỷ đồng), TTL (45 tỷ đồng), SJG (1.960 tỷ đồng), HAN (222 tỷ đồng), CC1 (3.006 tỷ đồng), TCD (431 tỷ đồng).
Với các doanh nghiệp vẫn âm dòng tiền kinh doanh, ngoại trừ một số đơn vị âm nặng như SCG (-666 tỷ đồng), L18 (-255 tỷ đồng), CSC (-178 tỷ đồng), PHC (-143 tỷ đồng) thì những đơn vị còn lại âm nhẹ nhàng: SC5 (-66 tỷ đồng), DFF (-4 tỷ đồng)…
Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh âm hoặc dương, song một trong những nguyên nhân quan trọng là giảm được hàng tồn kho và các khoản phải thu, mà những chuyển biến này đã được đề cập kĩ lưỡng ở phần trên.
Điều đáng nói hơn cả là nhờ vào việc cải thiện được đáng kể dòng tiền kinh doanh, quy mô tiền của nhiều doanh nghiệp cũng tăng lên trông thấy. Chẳng hạn như CTD (2.842 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần đầu năm, cộng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, quy mô tiền lên tới 4.304 tỷ đồng, lớn nhất trong các doanh nghiệp công bố thông tin). Theo sau là VCG (3.787 tỷ đồng), SJG (3.318 tỷ đồng, tăng 5%), CC1 (2.853 tỷ đồng), Ricons (1.343 tỷ đồng, tăng 25%), FCN (726 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần), HAN (644 tỷ đồng, tăng 7%), SC5 (117 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần), S99 (340 tỷ đồng, tăng 57%), PHC (160 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần), TTL (379 tỷ đồng, tăng 87%), L18 (309 tỷ đồng, tăng 52%), TCD (302 tỷ đồng, tăng 38%), SCG (117 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần)…
Đương nhiên, việc tăng quy mô tiền như trên, ngoài việc cải thiện dòng tiền kinh doanh còn do doanh nghiệp điều chỉnh lại chiến lược đầu tư. Song, có một điều rõ rệt là rất ít doanh nghiệp nhờ vào dòng tiền tài chính (vay mượn) để có được số dư tiền lớn. Thống kê cho thấy chỉ có vài doanh nghiệp xây dựng năm qua ghi nhận việc tăng dòng tiền đi vay, như: Ricons, SC5, SJE, TTL, L18, HAN. Còn lại, các doanh nghiệp đều giảm quy mô dòng tiền vay mượn, trong đó hầu như góp mặt các doanh nghiệp vốn “nổi tiếng” về việc sử dụng đòn bẩy lớn, như: HBC, HTN, FCN, CSC, TCD, SJG, CC1… Có doanh nghiệp như SCG thậm chí còn không phát sinh hoạt động vay mượn, chỉ có hoạt động trả nợ gốc vay.
Không thể phủ nhận trong câu chuyện vay mượn trên, có những doanh nghiệp ở trong tình trạng không được cho vay hoặc rất khó vay, song cũng có những doanh nghiệp đã chủ động tiết giảm. Điều đó cho thấy ít nhiều nỗ lực tái cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp xây dựng trong thời buổi “thóc cao gạo kém”.
Dù vậy, vẫn phải nói rằng tất cả những chuyển biến nêu trên vẫn chưa thể tạo ra sự thay đổi mang tính căn bản nào về cục diện của ngành xây dựng hiện tại. Các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với bài toán về công nợ, vay mượn, trả lãi, vẫn phải đau đầu xoay tiền để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp vẫn đang neo ở mức cao, thậm chí là rất cao, như: Ricons 2,19 lần, CC1 2,5 lần, HAN 3,19 lần, TTL 3,43 lần, HTN 3,98 lần, PHC 4,73 lần, SCG 4,84 lần, DFF 5,13 lần, SC5 6,17 lần, L18 8,16 lần và nhất là HBC 27,8 lần. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp sẽ còn phải vật lộn thêm một khoảng thời gian nữa mới hi vọng thay đổi được tình hình. 2024 vì thế chưa hẳn đã là một năm dễ dàng với các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.