Chi thường xuyên giảm chậm: ‘Do vẫn nhiều lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập’

Lê Nguyễn - 22/10/2019 17:15 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận xét mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.

VNF
Ảnh minh họa

Bình luận về tình hình chi ngân sách năm 2019, Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm.

Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách. Nơi có số thu khó khăn, nguồn thu thấp thì chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế.

Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm.

Bên cạnh đó, việc các địa phương tự ban hành chính sách an sinh xã hội trong khi nguồn lực chưa thực sự chắc chắn, khiến việc cân đối ngân sách căng thẳng và khó khăn kéo dài trong nhiều năm.

Đối với chi đầu tư phát triển, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy Chính phủ và các ngành, các cấp đã chú trọng tăng chi, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Tuy nhiên, tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục; vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm (mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn).

Cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng ý với Chính phủ về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019, tuy nhiên Ủy ban đề nghị Chính phủ phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%).

Đối với chi ngân sách, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý về cơ cấu chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương (chiếm 46,7% tổng chi đầu tư phát triển). Ủy ban cho rằng tỷ lệ trên chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Về bội chi và nợ công, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi 3,44%GDP, nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách nhà nước như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách nhà nước; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Cùng chuyên mục
Tin khác