Tài chính quốc tế

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không còn chỉ là nguy cơ

(VNF) - Các nhà kinh tế học hàng đầu và các doanh nhân nổi tiếng mới đây đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, được tổ chức thường niên tại Bắc Kinh. Chủ đề nổi bật nhất trong Diễn đàn năm nay là nguy cơ leo thang của cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không còn chỉ là nguy cơ

Tiến sĩ Larry Summers phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2018

"Chúng tôi khá lo ngại về những vấn đề địa chính trị và các xung đột trong vấn đề thương mại giữa hai nước", nhà kinh tế học Larry Summers trả lời phỏng vấn CNBC trong sự kiện này.

Bắc Kinh cho biết có 128 sản phẩm của Mỹ có thể sẽ bị áp dụng mức thuế nhập khẩu mới, tổng giá trị nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD, để trả đũa cho việc Tổng thống Donald Trump phê duyệt luật thuế nhập khẩu nhôm và thép hồi đầu tháng 3.

Mới đây, ông Trump cũng công bố kế hoạch thuế quan cho hàng nhập khẩu Trung Quốc, tập trung đánh vào hàng công nghệ và viễn thông, với giá trị nhập khẩu hàng năm lên đến 60 tỷ USD. Trung Quốc không chính thức tuyên bố luật thuế mới của mình nhằm trực tiếp đánh vào động thái này của Nhà Trắng.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc chúng ta có thể đang ở trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại, và chắc chắn đó là một sự phát triển không mấy tốt đẹp", tiến sĩ Summers nói. Trước đây ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng, như Chủ tịch trường Đại học Harvard, giám đốc của Hội đồng kinh tế quốc gia, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ.

Các nhà kinh tế đoạt giải Nobel Robert Shiller và Joseph Stiglitz cũng tham dự Diễn đàn này. Họ dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tổn thất vô cùng nặng nề nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington nổ ra. "Các công ty Mỹ chưa hề sẵn sàng để đưa Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng trong mô hình kinh doanh của mình, và sẽ gặp rất nhiều bất lợi", Shiller cảnh báo.

"Hậu quả ngay lập tức sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế, bởi vì các doanh nghiệp này được xây dựng dựa trên kế hoạch dài hạn, họ đã phát triển được một lực lượng lao động có tay nghề và trình độ ở Trung Quốc. Chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu những điều này ở một nước khác sau khi mối quan hệ thương mại bị cắt đứt", Shiller nói với CNBC. "Việc này không mang lại điều gì ngoài sự hỗn loạn: Nó sẽ làm chậm tiến trình phát triển trong tương lai của nước Mỹ nói riêng và của cả nền kinh tế toàn cầu nói chung".

Stiglitz đã cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể chuẩn bị thực hiện thuế quan dựa trên "một bản đồ kinh tế mà họ sẽ nhắm tới những bang nhất định tại Hoa Kỳ, nơi mà ảnh hưởng của đòn đáp trả này lớn nhất".

Một cuộc chiến tranh thương mại leo thang có thể mang lại những hậu quả chính trị nặng nề cho ông Trump - đặc biệt nếu các cuộc trả đũa của các đối tác thương mại có thể khiến ông phải rời bỏ chức Tổng thống.

"Thuế suất đánh vào hàng nhập khẩu thay đổi lớn sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, lạm phát sẽ dẫn Fed lên tăng lãi suất ở mức cao hơn, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng", Stiglitz nói. "Nước cờ này của Ngài Tổng thống có lẽ sẽ thay đổi hoàn toàn cái nhìn của những người trước giờ vẫn ủng hộ ông Trump".

"Cho đến tận bây giờ, họ vẫn tiếp tục ủng hộ ông ấy. Nhưng câu hỏi đặt ra là: nếu như thuế mới của ông Trump đe dọa chính túi tiền của họ, liệu sự ủng hộ ấy có còn?"

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn cũng đã đề cập đến ảnh hưởng của căng thẳng thương mại tới doanh nghiệp. Alex Gorsky, CEO kiêm Chủ tịch Johnson & Johnson, nhấn mạnh rằng thương mại mở là chính sách tốt nhất để kinh doanh thành công.

Còn Jean-Sébastien Jacques, CEO của Rio Tinto, thì mong rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng ngồi lại và đàm phán vấn đề này để mang lại giải pháp tốt nhất cho cả hai nước. Jacques cho biết dù tình huống nào xảy ra, ông cũng vẫn sẽ tập trung vào giải quyết sao cho phù hợp và ít thiệt hại nhất.

>>> Xem thêm: Tin forex mới nhất 2018

Tin mới lên