Chủ tịch Hà Nội: 'Công trình quá tầng, không đảm bảo PCCC thì cắt điện nước'

Hoàng Sơn - 11/06/2024 21:10 (GMT+7)

(VNF) - Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đối với các trường hợp cố tình xây nhà quá tầng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy… thì cách tốt nhất để dừng lại chỉ có cắt điện nước.

Tại phiên họp thứ 34 ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo về 5 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ NN&PTNT, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều.

"Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời giao UBND TP thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND TP quy định", ông Tùng cho hay.

Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất quy định trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép.

Theo đó, công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cũng bị đề xuất cắt điện, nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Liên quan đến nội dung này, tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ thống nhất với việc sau khi chỉnh lý, quy định này được chuyển từ biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sang biện pháp quản lý hành chính.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đây là vấn đề cực kỳ bức xúc trong thực tiễn. "Đối với các trường hợp cố tình xây nhà quá tầng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy… thì cách tốt nhất để dừng lại chỉ có cắt điện nước để không cho thi công nữa", ông nói.

Ông Thanh cho rằng việc cắt điện nước cũng nhằm xử lý trường hợp ý thức kém, coi thường mạng sống người khác thời gian qua.

Theo đó, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền này cho Hà Nội để bảo vệ tính mạng người dân. "Việc quyết định cắt điện nước được quy định rõ là thẩm quyền của chủ tịch xã, huyện và thành phố, không phải ai cũng được quyết. Tinh thần là không có gì cao hơn mạng sống con người", ông Thanh nhấn mạnh.

Phát biểu về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng bày tỏ ủng hộ quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị, cần quy định thành phố Hà Nội được quyền áp dụng một số biện pháp hành chính mạnh hơn trong trường hợp bất khả kháng để quản lý tốt hơn, thực hiện đúng các quy hoạch phát triển Thủ đô.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.