Thị trường

Chuyển đổi số trong ngành logistics: Cơ hội chuyển mình với ‘siêu cảng’ đầu tiên

(VNF) - Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, ngành logistics vẫn còn lạc hậu, các doanh nghiệp logistics chưa ứng dụng được những công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, mặt khác chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương, kết nội hạ tầng, nhân lực kém nên hiệu quả còn thấp.

Công nghệ là “chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh

Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hoá đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy thị trường logistics thế giới trong thời gian gần đây. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hoá đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hoá trên toàn cầu, với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày.

Đối với lĩnh vực logistics, cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị truyền thông: Pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Tất cả các công ty logistics quốc tế lớn dự kiến sẽ sử dụng công nghệ IoT và dự báo trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics…

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành logistics với những “siêu cảng” như Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 vừa diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hiện nay đã xuất hiện hai xu hướng mới từ đại dịch Covid-19 có liên quan đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Xu hướng thứ nhất là sự tăng tốc của thương mại điện tử và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam.

Xu hướng thứ hai là sử dụng giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả và cung cấp những dịch vụ mới cho khách hàng. Khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể cung cấp khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như giao tiếp với khách hàng trực tuyến.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics phải đầu tư vào công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, tự động hóa và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, các công nghệ mũi nhọn như robot, máy bay không người lái và phương tiện tự hành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc này còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản… vẫn chưa có một trung tâm logistics thông minh tầm cỡ nào.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin còn yếu và thiếu. Trong khi đó, có tới 96% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, công nghệ là nhân tố khác biệt tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký VLA chia sẻ: “Đổi mới sáng tạo hiện nay là yêu cầu bắt buộc đối với ngành dịch vụ logistics. Logistics là một ngành mang tính quốc tế cao, nếu không đổi mới sáng tạo nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thì không thể nào cung cấp dịch vụ qua biên giới”. Mặt khác, hiện nay có hơn 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và chủ yếu là các doanh nghiệp quốc tế. Chính vì vậy việc đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là vô cùng cần thiết.

Mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam

Trong vai trò là Chủ tịch của ASEAN, cũng là quốc gia đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về năng lực hoạt động logistics, Việt Nam đang thể hiện được vai trò của mình trong ngành logistics bằng việc khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)”, tích hợp giữa cảng cạn ICD và Trung tâm logistics công nghệ cao đa phương thức với những công nghệ hàng đầu khu vực.

Dự án được 2 tập đoàn hàng đầu hợp tác đầu tư là Tập đoàn T&T Group của Việt Nam và Tập đoàn YCH của Singapore. Lễ khởi động được được tổ chức trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc” do Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) – Tập đoàn YCH– YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư chính thức khởi động.

Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là “đứa con chung” của một bên là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tiềm lực kinh tế vững mạnh và một bên là tập đoàn đa quốc gia của Singapore, hoạt động chính về chuỗi cung ứng và logistics. Mục tiêu của dự án là xây dựng một trung tâm logistics thông minh và hiện đại nhất từ trước tới nay tại Viêt Nam, hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt logistics Việt Nam.

Dự án sẽ sử dụng hệ thống máy móc, phương tiện tiên tiến hàng đầu trên thế giới như robot, máy bay không người lái và các phương tiện tự hành.

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ được áp dụng những công nghệ thông minh như ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất; sử dụng hệ thống quản lý vận tải, kết hợp công nghệ điện toán đám mây và định vị vệ tinh cho phép doanh nghiệp truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng. Đây được cho là bước chuyển đổi số lớn ở ngành logistics tại Việt Nam nhằm cắt giảm các chi phí, dịch vụ logistics.

Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được kỳ vọng với 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bên vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực. Đây cũng là dự án đầu tiền trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN sẽ mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam xuống 14% và đến 2035 xấp xỉ Singapore ở mức 8-10%.

Đặc biệt, bước đi đầu tiên này sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư xây dựng thêm những trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam với thị trường toàn cầu, nhằm hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế.

Tin mới lên