Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.
Rời bục giảng để khởi nghiệp
Tốt nghiệp ngành xây dựng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984) có nhiều năm công tác, giảng dạy tại Trường cao đẳng giao thông vận tải Đà Nẵng.
Trong thời gian đi dạy, chị Thư cũng đã ấp ủ ý tưởng làm ra sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo giá trị cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Trong những lần đi siêu thị, chị Thư thấy có bán các sản phẩm miếng rửa chén, bông tắm từ xơ mướp. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì các sản phẩm này lại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
“Ở mình cũng có xơ mướp sao mình không làm”, chị Thư nghĩ và quyết định nghỉ giảng dạy, rời bục giảng để khởi nghiệp với các sản phẩm từ xơ mướp vào năm 2022.
Theo chị Thư, từ xưa, xơ mướp đã được ông bà ta treo gác bếp cho khô rồi dùng để rửa chén bát. Đặc trưng của xơ mướp là dai, nhanh khô, hút dầu mỡ nên rửa rất sạch. Ngoài ra, xơ mướp còn có thể tẩy da chết. Vì vậy, xơ mướp rất phù hợp để làm các vật dụng nhà bếp và nhà tắm. Chị Thư xem đây là tiềm năng để sản xuất, kinh doanh.
Ban đầu, chị Thư kết nối với nông dân để tìm nguồn nguyên liệu cho sản phẩm. Chị chọn hợp tác với các nông dân ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) vì ở đây vừa gần với Đà Nẵng mà diện tích vườn trồng của các hộ nông dân cũng lớn hơn ở Đà Nẵng.
Để trồng mướp đạt yêu cầu, chị Thư phải đi học hỏi rồi đào tạo cho nông dân. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên mướp trồng không đạt yêu cầu, chị Thơm lại phải tìm tòi, học hỏi thêm rồi chỉ lại cho nông dân.
Chị Thư cho biết, mướp dùng để ăn thì chỉ cần 1 - 1,5 tháng từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch, tuy nhiên, mướp để lấy xơ phải 3,5 tháng mới thu hoạch. Sau khi hoạch, xơ mướp được rửa hoàn toàn bằng nước sạch, phơi khô rồi đưa về xưởng để thực hiện các quy trình cán, cắt dập may định hình, đóng gói... Đến nay, chị Thư đang hợp tác với 10 hộ nông dân trồng mướp, mỗi năm trồng và thu hoạch mướp 2 lần.
Đưa xơ mướp xuất ngoại
Hiện Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vũ Nguyên do chị Võ Thị Ngọc Thư làm giám đốc có các sản phẩm từ xơ mướp gồm: miếng rửa chén bát, cây rửa ly, cây chà lư, bông tắm, đai tắm, túi đa năng, dép…
Các sản phẩm được chị Thư phân phối cho các khách sạn, resort trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các gian hàng tại các siêu thị. Đối với xuất khẩu, sản phẩm của công ty được bán trên Amazon đến các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước châu Âu…
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, đối với thị trường trong nước, chị đang hướng tới bán sản phẩm làm quà tặng tại các điểm du lịch bởi khách Hàn Quốc, châu Âu rất thích các sản phẩm này.
Đối với xuất khẩu, chị Thư muốn tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng thị trường này, tăng số lượng hàng hóa bằng con đường chính ngạch.
"Thời gian đầu khởi nghiệp tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng được cái thuận lợi là nhận được sự ủng hộ của gia đình và sự hỗ trợ của địa phương, các sở ngành", chị Thư nói.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng đánh giá tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như xơ mướp và cho biết Sở sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ dự án trong các giai đoạn tiếp.
Tháng 6/2024, dự án Xơ mướp Mộc Xơ của chị Võ Thị Ngọc Thư đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) tổ chức.
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.