Cơ hội mới thúc đẩy thị trường bất động sản TP. HCM tăng trưởng

Trần Lê - 06/01/2021 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù Covid-19 kéo đà tăng trưởng của nhiều ngành nghề sụt giảm nhưng giá bất động sản tại TP. HCM vẫn tăng. Các tiến trình phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng... đang mở ra cho thị trường bất động sản tại TP. HCM cơ hội tăng trưởng mới.

VNF
Cơ hội mới thúc đẩy bất động sản TP. HCM tăng trưởng (ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới, với ba điểm nóng.

Thứ nhất là việc TP. HCM vừa chính thức lập thành phố Thủ Đức từ đầu tháng 1, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7-8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của thành phố, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh.

Thứ hai là việc chuyển đổi 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.

Thứ ba là việc Chính phủ đã quyết định cho TP. HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020, mà thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp.

Theo báo cáo mới đây của JLL về thị trường nhà liền thổ tại TP. HCM, giá bán sơ cấp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số theo năm với 12,8% trong quý IV/2020. Trên cùng một dự án, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng giá bán, nhờ thông tin tích cực xung quanh Covid-19 và nguồn cung tiếp tục hạn chế đã thúc đẩy tâm lý thị trường. Chỉ có 2 dự án được mở bán chính thức trong quý, một trong số đó là giai đoạn cuối của dự án quy mô 20 ha ở phía Nam TP. HCM, còn lại là giai đoạn hai của một dự án nhỏ ở phía Tây.

Ở phân khúc căn hộ, tình trạng khan hiếm nguồn cung tiếp tục diễn ra trong quý IV/2020 với chỉ 3.600 căn được chào bán, giảm 26% so với quý trước và tương đương so với cùng kỳ. Con số này nâng tổng lượng mở bán cả năm 2020 lên 14.700 căn, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do các vấn đề pháp lý còn tồn đọng.

JLL cũng ghi nhận tâm lý mua đầu tư dâng lên khá cao, tập trung chủ yếu ở thành phố Thủ Đức.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức khởi công sáng 5/1, với tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng, cũng đang tác động đến khu vực phía đông TP. HCM. Dự án trọng điểm quốc gia này làm thay đổi hệ thống hạ tầng khu vực Đông Nam bộ, đẩy nhanh quá trình hình thành và thu hút dân cư, lao động chất lượng cao, giới chuyên gia về các đô thị vệ tinh.

Cùng với TP. HCM, cơ hội của thị trường bất động sản cả nước vẫn đang khá hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hết năm 2020, cả nước có 6.694 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tương đương với khoảng gần 19 doanh nghiệp ra đời mỗi ngày. 

Lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút tới 3 tỷ USD vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Trong đó, có tới 2 tỷ USD được đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản.

Nhiều thương vụ triệu đô đã được xác lập. Trong năm 2020, nhiều tập đoàn bất động sản quốc tế liên kết đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes, với giá trị 15.100 tỷ đồng; Tập đoàn Danh Khôi thâu tóm 6 dự án lớn trải dài khắp cả nước hay Novaland đã giải ngân tới gần 21.300 tỷ đồng cho hoạt động M&A...

Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, năm 2021, dự báo dòng tiền đầu tư vào bất động sản vẫn tập trung nhiều ở các phân khúc truyền thống như: Đất nền, căn hộ… đồng thời, còn có sự dịch chuyển đến các vùng lân cận khu vực trung tâm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; ngoài Bắc thì có ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Bình... Hiện nay, giá đất, giá căn hộ tại các khu vực này cũng đã xác lập mức giá cao và nguồn cung khan hiếm khi lượng khách hàng tìm hiểu khá nhiều. 

Ngoài ra, xu hướng phát triển các dự án ở những thị trường vùng ven, thị trường ven biển vẫn tiếp tục phát triển. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, khu phía Đông TP. HCM, với sự hình thành thành phố Thủ Đức, đã và đang thu hút dòng tiền đầu tư lớn với các sản phẩm trọng điểm như nhà phố, căn hộ cao cấp.

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM. Sự kiện này đã tác động mạnh mẽ lên thị trường bất động sản các khu vực lân cận, khiến giá nhà đất tăng trung bình 40-50% so với cuối năm 2019. Các dự án căn hộ chung cư cũng đang dồn về Thủ Đức khi chiếm đến 66,3% nguồn cung.

Cuối năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản; Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021, với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, thổi làn gió mới vào thị trường bất động sản trong năm 2021.

Cùng chuyên mục
Tin khác