(VNF) - Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng sản lượng khách nội địa của VJC sẽ tăng 3,45 lần trong năm 2022 dựa trên tốc độ phục hồi của nhu cầu đi lại. Tuy vậy kết quả kinh doanh sẽ bị kéo chậm bởi chi phí nhiên liệu tăng cao, cùng với đó là tình hình tài chính khó khăn.
VND: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VJC
Hết quý II, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận sản lượng khách hàng tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh hàng không nội địa phục hồi rõ rệt, giúp doanh thu cốt lõi tăng gần 4 lần.
Tuy vậy, VJC vẫn lỗ gộp 859 tỷ đồng, dù thấp hơn mức lỗ của quý II/2021 (1.279 tỷ đồng), nhưng cho thấy kết quả kinh doanh chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính là do giá xăng bình quân Jet A1 trong quý tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động tài chính cũng diễn biến kém tích cực khi doanh thu giảm 86% do hụt khoản lãi từ chuyển giao bất động sản, đồng thời chi phí tài chính tăng 5,3 lần bởi lãi vay của VJC tăng 2,4 lần và trích lập dự phòng đầu tư 260 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu từ hoạt động S&LB đạt gần 2.470 tỷ đồng với biên gộp cao (trên 80%), VJC báo lãi ròng 180 tỷ đồng trong quý II, tăng mạnh so với khoản lãi 6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng đạt 424 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 3,4 lần cùng kỳ.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) kỳ vọng sản lượng khách nội địa của VJC sẽ tăng 3,45 lần trong năm 2022 dựa trên tốc độ phục hồi của nhu cầu đi lại. Sang năm 2023, tăng trưởng này có thể chậm xuống còn 12% so với cùng kỳ từ mức nền cao.
Hàng không quốc tế của VJC cũng dự báo tăng mạnh, sản lượng khác quốc tế có thể đạt 2,43 triệu lượt trong năm nay, khả quan hơn nhiều mức 0,1 triệu lượt của năm 2021. Năm 2023, sản lượng khách quốc tế dự báo đạt 7,83 triệu lượt, gần bằng với thời điểm trước dịch năm 2019.
Thế nhưng, đà phục hồi của VJC sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí nhiên liệu tăng cao và tình hình tài chính khó khăn. VND ước tính chi phí nhiên liệu/ASK tăng mạnh 54% cùng kỳ trong năm 2022, trước khi giảm 7,1% trong năm 2023, giữa bối cảnh nguồn cung dầu mỏ đang bị thắt chặt, căng thẳng chiến sự giữa Nga và Ukraina đã làm trầm trọng thêm tình hình, đẩy giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ 2008.
Mặt khác, giai đoạn hậu đại dịch, VJC đã tăng nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và khiến tỷ lệ đòn bẩy vượt mức cao nhất trong 4 năm, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đội bay trong thời gian tới. Để tài trợ cho kế hoạch mở rộng đội bay trong khi vẫn đảm bảo đòn bẩy tài chính, VJC lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi trong năm 2022, mục tiêu thu về 13.920 tỷ đồng.
VND cho rằng nếu việc tăng vốn thành công, VJC có thể cải thiện sức khỏe tài chính cũng như đảm bảo kế hoạch mở rộng đội tàu, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể khó đánh giá mức độ pha loãng và tiềm ẩn rủi ro về pha loãng tới cổ đông hiện hữu.
Năm 2022, VND dự phóng doanh thu của VJC đạt 50.385 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.317, lần lượt tăng 3,9 lần và 7,5 lần so với năm trước.
Trên thị trường, VND khuyến nghị trung lập cho VJC với giá mục tiêu 132.000 đồng/cổ phiếu, chỉ cao hơn 4,4% so với giá thị trường. Công ty chứng khoán này cho rằng dư địa tăng giá cổ phiếu bị hạn chế, nhưng vẫn duy trì triển vọng lạc quan cho VJC trong dài hạn nhờ vị thế dẫn đầu trên thị trường vận tải hàng không Việt Nam và doanh nghiệp có khả năng nắm bắt đà phục hồi tăng trưởng trong dài hạn.
Yuanta: Khuyến nghị kém khả quan NVL với mức giá 70.400 đồng/cổ phiếu
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II trái chiều với doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 41% so với cùng kỳ. Đóng góp chính cho doanh thu đến từ công tác bàn giao tại ba dự án trọng điểm là NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City.
Trong quý, NVL ghi nhận thêm 787 tỷ đồng thu nhập tài chính từ việc thoái vốn một công ty liên kết (Công ty Cổ phần Đầu tư Nova SQN), đơn vị sở hữu một dự án bất động sản dân dụng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của NVL đạt 4.600 tỷ đồng (giảm 35% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.800 tỷ đồng (giảm 1,6% cùng kỳ). Như vậy, NVL còn cách khá xa kế hoạch kinh doanh năm 2022 khi chỉ hoàn thành 13% chỉ tiêu về doanh thu và 28% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và tin rằng NVL vẫn đang theo sát kế hoạch, trên đà hoàn thành mục tiêu của năm 2022. NVL kỳ vọng phần lớn lợi nhuận năm nay sẽ đến từ ba đại dự án đang phát triển, với mục tiêu bàn giao 7.000 căn trong cả năm 2022.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, kết quả bán trước (pre-sales) của NVL khả quan với tỷ lệ lấp đầy là 78%. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã mở bán 4.500 căn và bán được 3.512 căn (giảm 20% so với cùng kỳ), tương ứng với giá trị hợp đồng là 58.000 tỷ đồng (tăng 27% cùng kỳ). Tại ngày 30/6/2022, lũy kế giá trị hợp đồng đặt trước chưa thanh toán là 233.000 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, NVL đã huy động thành công 18.000 tỷ đồng nợ vay (tương ứng hoàn thành 75% kế hoạch cả năm). Theo Yuanta, đây là một con số ấn tượng dù gặp phải nhiều hạn chế về chính sách tín dụng trong thời gian qua. Ban lãnh đạo cho biết, những trở ngại này không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động huy động nợ vay của NVL và thị trường nợ quốc tế vẫn tiếp tục ưu tiên cho những chủ đầu tư có năng lực phát triển dự án tốt, quỹ đất tiềm năng. Bằng chứng là NVL đã huy động thành công 250 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Trong nửa cuối năm, NVL sẽ bán ít nhất 8.000 căn từ các dự án đang phát triển. NVL cũng lên kế hoạch chào bán hai dự án mới là Grand Sentosa (rộng 8,3ha với 2.000 căn nằm tại khu vực miền Nam TP.HCM) và một dự án nằm ở khu vực miền Trung mang thương hiệu Novaworld – Hợp đồng BCC.
Ngoài ra, NVL đang làm việc với các địa phương và dự kiến chào bán 200.000 căn nhà ở xã hội và cho biết kế hoạch này sẽ giúp củng cố vị thế, đồng thời cũng là cơ hội để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mặc dù theo luật định thì biên lợi nhuận của các dự án phát triển nhà ở xã hội bị khống chế ở mức tối đa là 10%.
Trên thị trường, Yuanta khuyến nghị kém khả quan đối với NVL. Giá khuyến nghị đưa ra là 70.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 15,5% so với giá đóng cửa phiên 9/8.
BVSC: Khuyến nghị trung lập cổ phiếu KBC
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) ghi nhận doanh thu đạt 1.087 tỷ đồng (giảm 60% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.456 tỷ đồng (tăng 210% cùng kỳ). Nguyên nhân của sự tương phản là bởi KBC có thu nhập khác tăng mạnh, nhờ các khoản đánh giá lại tài sản đầu tư.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), quỹ đất khu công nghiệp (KCN) của KBC sẵn sàng khai thác giảm, còn quỹ đất khu đô thị (KĐT) chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, quỹ đất KCN sẵn sàng khai thác của KBC khoảng 260-270ha và với tốc độ cho thuê hiện tại, quỹ đất này đảm bảo đóng góp doanh thu ổn định trong 2022-2023.
Sau năm 2023, quỹ đất KCN cho thuê sẽ phụ thuộc tốc độ đền bù các dự án mới như Tràng Duệ 3, Cụm công nghiệp Long An, Nam Tân Lập… Theo đó, động lực tăng trưởng cho KBC trong 2-3 năm tới đến nhiều hơn từ quỹ đất KĐT.
Giai đoạn sau năm 2024, quỹ đất KCN Tràng Duệ 3 dự báo là động lực tăng trưởng lớn. Theo đó, KCN Tràng Duệ 3 vẫn trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, trong tổng số 687ha quy hoạch, KBC đã đền bù 200ha, còn lại 487 ha cần phải đền bù. Diện tích thương phẩm ước tính trên diện tích đã đền bù khoảng 133ha.
BVSC kỳ vọng, diện tích thương phẩm này sẽ được đưa vào kinh doanh năm 2022 và sẽ bán hết trong 2023. Với giá thuê 130 USD/m2, doanh thu quỹ đất đã đền bù của dự án Tràng Duệ 3 ước đạt 4.634 tỷ đồng. Doanh thu này sẽ ghi nhận trong giai đoạn 2022-2024. Biên lợi nhuận gộp ước tính theo giá thuê hiện tại là 56%.
Năm 2022, BVSC dự báo doanh thu và lợi nhuận của KBC lần lượt đạt 3.856 tỷ đồng (giảm 9% cùng kỳ) và 3.387 tỷ đồng (tăng 260% cùng kỳ). Từ kết quả nửa đầu năm, công ty chứng khoán cho biết các mảng kinh doanh chính của KBC là cho thuê hạ tầng KCN và KĐT. Hoạt động kiểm soát vốn tín dụng hiện nay có tác động đến tiến độ thanh toán khách hàng lớn, do đó, khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu của KBC sẽ giảm so với dự tính đầu năm.
Nhìn chung, BVSC nhận thấy tiềm năng trung và dài hạn của KBC đến từ quỹ đất lớn còn lại từ các KCN và các KĐT vẫn còn rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, xét trong ngắn hạn từ nay đến hết năm 2022, BVSC đánh giá rằng câu chuyện về dự án đô thị lớn đã phản ánh tương đối mạnh mẽ thời gian qua. Trong khi đó, với các khoản vay tăng mạnh trong hai năm gần đây, áp lực về đáo hạn khoản vay và nhu cầu vốn đầu tư với KBC trong nửa cuối năm là hiện hữu.
Nếu tiến độ bán sỉ quỹ đất 30-50 dự án Tràng Cát dời sang 2023, điều này có thể giảm một phần kỳ vọng trong ngắn hạn đối với KBC. Do đó, từ kết quả định giá và các điểm chính trên, BVSC khuyến nghị trung lập với mức giá hợp lý cho năm 2022 là 40.425 đồng/cổ phiếu; tương đương tăng 6,7% so với giá đóng cửa ngày 9/8.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.