Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/2): TCB, VNM và KDH

(VNF) - Năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của TCB đạt 27.900 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2021, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại, chủ yếu do thị trường trái phiếu hạ nhiệt với biên lãi ròng ước giảm 19 điểm cơ bản, xuống còn 5,52%.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/2): TCB, VNM và KDH

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/2): TCB, VNM và KDH

SSI: Khuyến nghị mua TCB, giá mục tiêu 64.000 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Tecombank, HoSE: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với mức lợi nhuận kỷ lục vượt 1 tỷ USD, tương đương hơn 22.685 tỷ đồng, tăng 43% so với mức thực hiện năm 2020. Tỷ lệ CASA đạt 50,5% với số dư 158.900 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của Techcombank tăng 35,4% so với năm 2020, đạt 37.100 tỷ đồng chủ yếu đến từ tăng trưởng thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020. Biên lãi thuần (NIM) đạt gần 5,6%, năm 2020 là 4,9%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 42%.

Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 3.600 tỷ đồng và tăng trưởng 32,8% so với năm ngoái. Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021.

Dư nợ tín dụng của khách hàng tại thời điểm cuối năm 2021 đạt 388.300 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 45,5%, đạt 161.700 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 16,6%, đạt 248.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu cuối quý IV của Techcombank ở mức 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 162,9%. Nợ tái cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Coivd-19 là 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ và thấp hơn mức 2.800 tỷ đồng ở cuối quý III năm 2021.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, ngân hàng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022, dù vậy cũng thận trọng dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ chậm lại.

Bên cạnh đó, TCB dự kiến NIM có xu hướng giảm do chi phí vốn tăng; chi phí vốn tăng bất chấp CASA tăng lên 55%; tốc độ tăng trưởng của NII và NFI chậm hơn so với 2021; CIR duy trì đà tăng do ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin.

Nợ xấu ước tính tăng sau khi hết hạn tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14, tuy nhiên, chi phí tín dụng dự kiến duy trì tương đương năm 2021.

SSI ước tính TCB đạt 27.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, tăng 20% so với cùng kỳ, thấp hơn một nửa mức tăng năm trước. Tốc độ tăng chậm lại là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt với NIM ước giảm 19 điểm cơ bản còn 5,52%.

Hiện công ty chứng khoán này khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 1 năm là 64.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức sinh lời 24%, dựa trên tình hình kinh doanh 2021 bền vững và triển vọng tăng trưởng tốt trong 2022.

BVSC: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VNM

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSV) nhận định, nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước đang dần hồi phục, song tốc độ vẫn chậm. Thống kê cho thấy, tiêu thụ FMCGs vừa đánh dấu năm thứ 2 giảm liên tiếp với mức giảm trên 10% cùng kỳ trong năm 2021, nặng nề hơn mức giảm 7% của năm 2020.

Trong đó, mảng sữa nói riêng thì sau khi ghi nhận mức giảm 6% trong 2020 và giảm 7% trong quý I/2021 thì đã có bước phục hồi với mức tăng 3%, 1% và 2% trong 3 quý tiếp theo.

Tham chiếu ở Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), doanh số nội địa của công ty sau khi tăng 20% vào tháng 10/2021 (một phần do yếu tố nền thấp) thì cả quý IV/2021 chỉ tăng trưởng 7%. Điều này cho thấy đà hồi phục vẫn còn yếu.

Mặc dù quản trị hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa tốt, đặc biệt trong thời dịch, song với thị phần trên 60% như hiện tại, BVSC không đánh giá cao khả năng tiếp tục mở rộng thị phần mạnh của VNM trong tương lai.

2022, BVSC dự báo doanh thu của "ông trùm" sữa này đạt 64.931 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm trước, trong đó kỳ vọng doanh thu nội địa tăng 6,1%; MCM tăng 8%; xuất khẩu tăng 10% và các công ty con ở nước ngoài 7%.

Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 10.890 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2021, cùng với giả định biên lợi nhuận giảm nhẹ, EPS dự phóng 4.761 đồng, tương ứng với P/E 2022 17,1 lần.

Với mức P/E dự phóng này, cổ phiếu VNM đang giao dịch thấp hơn mức bình quân 5 năm (20 lần) và bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực (25 lần). Tuy nhiên, BVSC cho rằng trong ngắn hạn, với triển vọng tăng trưởng không nhiều do nhu cầu hồi phục chậm, thị phần đã ở mức cao và rủi ro giá đầu vào, cổ phiếu VNM không có nhiều yếu tố tích cực để được thị trường đánh giá lại.

Do đó, BVSC khuyến nghị trung lập đối với VNM, giá mục tiêu là 91.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E mục tiêu 19,1 lần cho 2022 và 16,9 lần cho 2023.

Cập nhật kết quả kinh doanh, năm 2021, VNM ghi nhận doanh thu thuần tăng khoảng 2% cùng kỳ, đạt 60.919 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 5% còn 10.633 tỷ đồng. Kể từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận của VNM vẫn luôn ổn định ở mức trên 10.000 tỷ và không có sự đột phá.

SSI: Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KDH

Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 khá tương phản về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, trong khi doanh thu giảm 55% so với cùng kỳ năm trước, xuống 597 tỷ đồng thì lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 8% lên 414 tỷ đồng.

SSI cho rằng điều này chủ yếu đến từ việc bàn giao 99 căn hộ tại Lovera Vista và 2 căn từ dự án Verosa Park. Ngoài ra, KDH cũng ghi nhận 199 tỷ đồng lãi không phải bằng tiền (được phân loại là lợi nhuận khác) từ việc hợp nhất 1 dự án tại quận 9 (TP.HCM) thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Nguyên Thư.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ) và 1.200 tỷ đồng (tăng 4%), lần lượt hoàn thành 78% và 100% kế hoạch của công ty.

Phần lớn lợi nhuận đến từ việc bàn giao dự án Safira (234 căn), Lovera Vista (1.147 căn) và Verosa Park (31 căn), bất chấp những khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19.

Năm 2022, SSI duy trì ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của KDH lần lượt đạt 4.000 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) và 1.400 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ).

SSI giả định, giá bán dự án khu dân cư Phong Phú 2 tăng 10%, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng lên đối với các căn hộ thấp tầng tại TP.HCM. Điều này một phần là do môi trường lãi suất thấp, khiến bất động sản đất nền trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn hơn.

Đồng thời, giá cho thuê dự kiến tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân dao động trong khoảng 260 - 280 USD/m2 (tăng 15-18% so với ước tính trước đây của SSI).

Ước tính KDH sẽ có biên lợi nhuận gộp tương đối tốt khoảng 55-60% từ dự án này do tổng chi phí đầu tư khá thấp. Do nhu cầu cho thuê khu công nghiệp tại TP.HCM vẫn ở mức cao, Kkhu công nghiệpN này là một tài sản có giá trị của KDH để có thể tự phát triển hoặc bán cho các chủ đầu tư khác.

Lợi nhuận gộp có thể tăng đáng kể, từ 42% trong năm 2021 lên khoảng 54-55% trong năm 2022, do việc bán biệt thự thấp tầng thường mang lại biên lợi nhuận cao hơn. Doanh số bán đất khu công nghiệp cũng sẽ mang lại lợi nhuận gộp cao.

SSI nhận định, KDH do có tiềm năng lớn với các lô đất nền có vị trí chiến lược. Do chỉ có một số ít chủ đầu tư tại Việt Nam có thể sở hữu các dự án lớn như vậy, đặc biệt là tại các khu vực hấp dẫn của TP.HCM, vốn có tỷ lệ hấp thụ và nhu cầu cao trong lịch sử.

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại TP.HCM và lân cận Thủ Đức sẽ giữ cho mức định giá quỹ đất của công ty cao trong dài hạn. Từ năm 2023, triển vọng của KDH sẽ thay đổi đáng kể khi bắt tay vào các dự án trọng điểm như Green Village (133ha) và khu đô thị Tân Tạo (330ha) trong giai đoạn 2024-2025.

SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu KDH, cùng mức giá mục tiêu điều chỉnh lên 61.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 7% so với báo cáo trước đây với tiềm năng tăng giá là 14%).

Tin mới lên