Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/5): NKG, DCM và TLG

Tân Mai - 20/05/2022 07:26 (GMT+7)

(VNF) - Hết quý I, giá trị hàng tồn kho của NKG đạt 8.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái. MBS cho rằng, tích trữ lượng lớn hàng tồn kho là con dao hai lưỡi đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, và là cơ hội, rủi ro mà nhà đầu tư cần theo dõi trong ngắn hạn.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/5): NKG, DCM và TLG

MBS: Khuyến nghị mua NKG với giá mục tiêu 41.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I, với doanh thu thuần tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 7.151 tỷ đồng. Nhờ chi phí giá vốn trên doanh thu giảm, NKG thu về gần 957 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 57% so với cùng kỳ, tương ứng biên lãi gộp cải thiện từ 12,6% lên 13,4%.

Kết quả này có được trong điều kiện giá bán bình quân ước tính tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của giá bán thép xây dựng, đồng thời NKG hoàn nhập 300 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Nếu loại bỏ khoản hoàn nhập này, biên lợi nhuận gộp chỉ còn 9,2% trong bối cảnh giá HRC đầu vào vẫn duy trì ở mức cao.

Hết quý I, NKG báo lãi sau thuế 507 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ năm ngoái. Phía NKG cho biết, ngoài biên lãi gộp tăng, lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng tốt là nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước, cũng như xuất khẩu. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, nhà sản xuất thép này đã thực hiện được 25,5% chỉ tiêu doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý I.

Tại ngày 31/3/2022, NKG ghi nhận lượng hàng tồn kho đạt khoảng 8.500 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, số hàng tồn kho có thể đáp ứng nhu cầu bán hàng 1 quý, trong đó đơn hàng xuất khẩu hiện đã chốt bán đến giữa tháng 7/2022, từ đó ước tính doanh thu quý II đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

MBS lưu ý rằng, tích trữ hàng tồn kho cao là con dao hai lưỡi ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, trường hợp khi giá thép tăng trở lại, lượng hàng tồn kho cao sẽ tăng lợi nhuận cho NKG, tuy nhiên, nếu giá thép đi ngang hoặc giảm giá, kết quả kinh doanh cũng sẽ bị tác động xấu. Đây cũng là cơ hội và rủi ro cần phải theo dõi đối với NKG trong ngắn hạn.

Với diễn biến giảm giá các sản phẩm thép từ đầu tháng 4 trước những hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 tại Trung Quốc, tăng giá năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng, dấy lên lo ngại về lạm phát và nhu cầu thép trên phạm vi toàn cầu, khiến các nhà giao dịch phải thận trọng. MBS cho rằng biên lợi nhuận của NKG sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, trong đó biên lợi nhuận gộp quý II có thể sẽ giảm khá mạnh so với mức 18,6% của quý II/2021.

Dẫu vậy, nhìn chung 2022 vẫn được dự báo là một năm triển vọng đối với ngành thép toàn cầu. Nhu cầu xây dựng sẽ phục hồi mạnh sau giai đoạn dịch bệnh, giúp sức cầu thép ước tính tăng 0,4% so với năm ngoái lên 1.840 triệu tấn, trong đó khu vực EU và Mỹ ước tăng 1,1%. Hơn nữa, chênh lệch cung - cầu ngành thép ngày một rõ nét trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, NKG có kế hoạch xây dựng nhà máy tôn Nam Kim Phú Mỹ với quy mô 33ha, tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng. Nhà máy mới vận hành sẽ giúp công suất của NKG tăng từ 1,2 triệu tấn/năm hiện tại lên 2,4 triệu tấn/năm từ năm 2027, tạo tiền đề tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, MBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận của NKG năm 2022 đạt 30.650 tỷ đồng và 1.923 tỷ đồng, tương ứng tăng 109% và 86% so với kết quả thực hiện 2021. MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 41.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 45% thị giá hiện tại.

Yuanta: Khuyến nghị quan sát cổ phiếu DCM

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đã thông qua mục tiêu doanh thu 9.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 513 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 72% so với kết quả năm 2021. Doanh nghiệp dự kiến mức cổ tức năm nay là 8%, thấp hơn mức 18% của năm trước.

Kết thúc quý I, DCM công bố doanh thu thuần đạt 4.074 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.518 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ, và là mức lãi theo quý cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, DCM đã hoàn thành được 45% mục tiêu về doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận cả năm.

Theo giải trình từ phía DCM, lợi nhuận tăng do tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón dẫn đến giá phân bón trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Ure TM quý I tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh, trong bối cảnh giá phân bón tiếp tục tăng cao do chiến tranh Nga - Ukraine, song song đó là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nên giá phân bón đạt đỉnh rất cao. Còn thị trường trong nước đang ở thấp điểm. Do đó, DCM đã tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt.

Trên thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết mức stock rating của DCM ở mức 87 điểm, cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực. Đồ thị giá của DCM đóng cửa tăng 7%, nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp trong hai phiên giao dịch liên tiếp cho thấy dòng tiền vẫn còn yếu.

Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tham gia mua vào giai đoạn này. Điểm tích cực là đồ thị giá đã giữ vững được ngưỡng hỗ trợ 27.400 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mức giá đánh dấu nhịp sóng giảm trung hạn vừa qua đã kết thúc.

Tuy nhiên, hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta vẫn duy trì đánh giá mức giảm xu hướng ngắn hạn của DCM. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát.

VCSC: Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu TLG

Năm 2022, Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) đặt kế hoạch doanh thu 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 280 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 1% so với thực hiện năm 2021.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, kế hoạch doanh thu của TLG tương đương 100% dự báo hiện tại của VCSC. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận ròng thấp hơn đáng kể kỳ vọng của VCSC khi chỉ tương đương 86% dự báo hiện tại là 324 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2021).

Theo VCSC, sự khác biệt giữa kế hoạch của TLG và dự báo của mình là vì ban lãnh đạo đã xây dựng kế hoạch trên quan điểm thận trọng, liên quan đến một số yếu tố như tốc độ hồi phục nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu của người dân trong bối cảnh đại dịch đã tác động suốt thời gian dài; giá nhựa đầu vào tăng cao, cũng như chi phí liên quan đến hoạt động khuyến mãi sau Covid-19.

Vừa qua, TLG đã khép lại quý I với doanh thu đạt 794 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 115 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 35% so với cùng giai đoạn năm ngoái. Như vậy, lợi nhuận ròng của TLG đạt cao hơn kỳ vọng của VCSC khi hoàn thành tới 35% dự báo cả năm, đồng thời thực hiện 41% chỉ tiêu đã được đại hội cổ đông giao phó.

Cập nhật thông tin, ban lãnh đạo TLG cho biết, nhà máy mới ở Thiên Long Long Thành dự kiến được hoàn thành vào tháng 10/2022 và vận hành vào cuối năm 2022. Tổng số vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 230 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của dự án khoảng 81 tỷ đồng/năm.

Đây là dự án được xây dựng trên diện tích 11.557,8 m2, bao gồm nhà xưởng và công trình phụ trợ. Trong đó, diện tích nhà xưởng là 9.615 m2, về công suất thiết kế và sản xuất cung cấp, TLG tập trung sản xuất vào keo, các nhóm sản phẩm học cụ, mỹ thuật.

Trong quá trình phát triển, TLG còn có quỹ đất khoảng gần 6.000 m2, tuỳ theo nhu cầu của thị trường và sự phát triển, TLG sẽ tiếp tục xây thêm 1 block thứ 2, đây là mặt bằng đáp ứng sự phát triển tuỳ theo nhu cầu của tập đoàn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.