Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) tiếp tục giả định Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) sẽ xử lý toàn bộ 100% tài sản không sinh lời (NPA) chậm nhất vào năm 2023.
Nếu vậy, ngân hàng có thể sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cho vay vượt trội hơn so với ngành sau khi lượng tài sản đó được xử lý thành công. Yuanta kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng bình quân 16% cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2025.
Yuanta cũng không thay đổi giả định tăng trưởng cho vay đối với năm 2022, vẫn giữ ở mức 14% so với cùng kỳ. Quý I, ngân hàng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cho vay tăng 6,5% so với hồi đầu năm.
Yuanta kỳ vọng biên lãi ròng (NIM) sẽ được củng cố từ hiệu quả xử lý nợ xấu tồn đọng do nguồn vốn sẽ được giải tỏa và chuyển thành tài sản sinh lời. Dự báo NIM năm 2022 của Yuanta là 2,73%, tăng 13 điểm cơ bản so với mức nền thấp của năm 2021.
Tỷ lệ tài sản sinh lời (IEA)/tổng tài sản của STB là 90% trong năm 2020. Tỷ lệ này đã cải thiện đáng kể so với mức 81% vào năm 2015, khi ngân hàng sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Nói cách khác, tỷ lệ tài sản không sinh lời (NPA)/tổng tài sản đã giảm từ 25% (quý III/2017) còn 5% (quý I/2022) theo tính toán của Yuanta, phản ánh nỗ lực của ban lãnh đạo trong việc xử lý tài sản tồn đọng.
Yuanta kỳ vọng tài sản sinh lời sẽ đạt 94% vào năm 2024 dựa trên nỗ lực xử lý tài sản không sinh lời. Luận điểm chính vẫn là tài sản không sinh lời sẽ được chuyển sang tài sản sinh lời (chủ yếu là khoản vay), và điều này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng và NIM.
Công ty chứng khoán này giả định rằng STB sẽ tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Yuanta đã điều chỉnh tăng giả định trích lập dự phòng lên thêm 5% cho năm 2022 so với giả định trước đó. Yuanta kỳ vọng STB sẽ xử lý hết toàn bộ tài sản không sinh lời vào năm 2023.
Nếu vậy, STB sẽ không phải trích lập thêm dự phòng cho lượng tài sản tồn đọng này kể từ năm 2024, với giả định sẽ không có lượng tài sản tái cơ cấu nào bị chuyển thành tài sản không sinh lời.
Yuanta tăng dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 lên 5% và đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 23% cùng kỳ). Dự báo này thấp hơn 12% so với mức trung bình của các bên, có thể là do giả định trích lập dự phòng của Yuanta cao hơn. Trong khi đó, dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2023 lại thấp hơn 35% so với các công ty chứng khoán khác vì dường như họ đang cho rằng STB sẽ hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022.
Trên thị trường, STB hiện đang giao dịch tương ứng với P/B 2022 là 1,1 lần so với trung vị ngành là 1,4 lần, mức định giá khá hấp dẫn. Yuanta tăng giá mục tiêu lên 20% sau khi điều chỉnh các giả định về lợi nhuận trước đó và kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi mạnh trong năm 2024 sau khi ngân hàng giải quyết hết 100% lượng tài sản tồn đọng (theo giả định) vào năm 2023.
Giá mục tiêu mới cho STB là 28.860 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 29%. Tuy định giá hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc liệu phân bổ vốn vào cổ phiếu có câu chuyện phục hồi nhưng rủi ro cao có phải là tối ưu trong chu kì thị trường hiện tại.
Yuanta nâng khuyến nghị cổ phiếu lên mua (từ khuyến nghị bán trước đó), với lưu ý rằng STB ở thời điểm hiện tại vẫn là cổ phiếu mang tính đầu cơ, và hiệu quả đầu tư dựa trên khả năng dẫn dắt của ban lãnh đạo. Nói cách khác, câu chuyện phục hồi vẫn có rủi ro.
Hết quý I, Tổng công ty Idico – CTCP (HNX: IDC) ghi nhận doanh thu 1.673 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, IDC lãi sau thuế 284 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái, EPS đạt 851 đồng, là mức lãi cao kỷ lục theo quý của doanh nghiệp.
Như vậy với kế hoạch này, ngay quý đầu tiên của năm 2022, IDC đã hoàn thành được 50% mục tiêu về doanh thu và 15,3% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế cả năm.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, ngoài mảng kinh doanh chính là cho thuê và quản lý hạ tầng Khu công nghiệp (KCN), IDC còn đầu tư vào các nhà máy thủy điện, kinh doanh điện, xây dựng, thu phí đường bộ và các dự án bất động sản dân dụng/thương mại. Các ngành kinh tế này sẽ hưởng lợi tích cực khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường và biện lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện từ việc khôi phục các hoạt động kinh tế khi tỷ lệ tiêm chủng cao.
IDC đang phát triển quỹ đất khu công nghiệp lớn và có nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai. Cụ thể, hiện tại, IDC đang sở hữu 868ha đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê tại các KCN Phú Mỹ 2, KCN Quế Võ 2, KCN Cầu Nghìn, KCN Hựu Thạnh... trong giai đoạn 2022 - 2026.
Đây là các khu công nghiệp tại các địa phương có tiềm năng thu hút FDI và tăng giá cao. Trong giai đoạn từ 202-2030, IDC dự kiến sẽ phát triển thêm khoảng 1.000ha đất sạch thuộc khu vực phía Bắc (400ha) và phía Nam (600ha). Đây là động lực tăng trưởng chính cho IDC trong giai đoạn trung và dài hạn sắp tới.
Ban lãnh đạo IDC có kế hoạch phát triển các dự án nhà ở và khu đô thị (KĐT) nằm cạnh các dự án Khu công nghiệp trong tương lai trong lộ trình phát triển của doanh nghiệp với tổng diện tích của mỗi dự án tương đương 10-30% của mỗi dự án khu công nghiệp.
Khánh hàng hướng tới là công nhân và các chuyên gia làm việc tại chổ trong các KCN này. MBS tin rằng các dự án bất động sản nhà ở sẽ mang lại thêm nguồn thu nhập đáng kế cho IDC trong giai đoạn 2025-2030.
Với các luận điểm trên, MBS khuyến nghị mua cho cổ phiếu IDC, với giá mục tiêu 67.200 đồng/cổ phiếu (tăng 24% so với giá đóng cửa phiên 1/6), theo phương pháp RNAV.
Kết thúc quý I, Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) doanh thu 34.800 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng (tăng 25%). Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nguồn cung trên toàn thế giới thiếu hụt và giá dầu tăng đột biến do xung đột vũ trang khốc liệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt theo sau đó có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, biên lọc dầu cũng được mở rộng đáng kể nhờ sự phục hồi của nhu cầu xăng dầu từ các hoạt động sản xuất và vận tải trên toàn quốc.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của BSR sẽ tăng mạnh trong năm 2022, trong điều kiện giá dầu và khí đốt tăng cao trong thời gian dài khi Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất, ngày càng bị cô lập trong mua bán dầu khí với nhiều nước, đặc biệt là EU và các nước G7 khác.
Ở kịch bản cơ sở, khi giá dầu ổn định ở mức 90 USD/thùng, doanh thu có thể đạt 138.500 tỷ đồng (tăng 37% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.700 tỷ đồng (tăng 46%). Kể từ năm 2021, biên lợi nhuận đã có sự cải thiện khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái bình thường, dẫn đến giá xăng dầu và sản phẩm hóa dầu khác tăng cao.
PHS cũng dự báo, sự phục hồi mạnh mẽ của sản lượng bán dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2022 từ mức thiệt hại nặng nề do đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong khi DQRE thường xuyên hoạt động trên 100% công suất thiết kế, doanh nghiệp cũng đang mở rộng quy mô sản xuất với một dự án đầy tham vọng nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, dự án này sẽ giúp khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt trong nước và cho phép nhà máy xử lý được dầu thô chua, có giá thành thấp nhưng khó khăn trong việc xử lý.
Bên cạnh đó, trong khi mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, thì tốc độ tăng trưởng ô tô đang diễn ra rất nhanh chóng và người dân có xu hướng di cư ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu và thắp sáng triển vọng dài hạn cho BSR.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá hợp lý là 32.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với mức tăng giá tiềm năng là 17%. Định giá đã bao gồm dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, điều này giúp phản ánh giá trị của BSR một cách đầy đủ.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.