Con trai top 100 giàu nhất sàn chứng khoán, nhà đại gia nắm 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng
Mai Anh -
05/11/2023 07:29 (GMT+7)
(VNF) - Gia đình chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đang sở hữu tổng cộng khoảng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu VPBank, người Việt Nam tiêu thụ 12 tấn vàng... Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, xin nới room
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng thấp, một số ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị tiếp tục được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mới đây cho biết một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt như VPBank, LPBank, Techcombank, HDBank, ACB,... Các ngân hàng này đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành (đến ngày 29/9 là 6,92%).
Những ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất ra thị trường
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với gần 94.000 tỷ, (giảm 30% so với cùng kỳ) chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị.
MBS cho rằng việc các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu trong quý 3 đầu năm nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30%, áp dụng từ ngày 1/10/2023 theo Thông tư 08/2020.
Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: ACB (16.400 tỷ đồng), Techcombank (14.000 tỷ đồng), OCB (11.200 tỷ đồng).
Con trai chủ tịch ngân hàng chi nghìn tỷ mua cổ phiếu, lọt top 100 người giàu nhất sàn
Ông Ngô Chí Trung Johnny - con trai Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - đã hoàn tất mua vào 70 triệu cổ phiếu VPB nhằm mục đích đầu tư. Trước giao dịch, ông Ngô Chí Trung Johnny chưa sở hữu cổ phiếu VPB nào. Sau giao dịch, ông nắm giữ 0,88% vốn tại ngân hàng này.
Theo công bố thông tin của VPBank, gia đình chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đang sở hữu tổng cộng khoảng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu VPBank. Trong đó 3 người nắm giữ nhiều nhất là ông Ngô Chí Dũng (328,6 triệu cổ phiếu), bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng: 326,8 triệu cổ phiếu) và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng: 325,9 triệu cổ phiếu).
Ông Ngô Chí Trung Johnny là 1 trong 3 người con của Chủ tịch Ngô Chí Dũng. Hai người còn lại là Ngô Minh Phương (sở hữu 10,8 triệu cổ phiếu) và Ngô Phương Anh (không sở hữu cổ phiếu).
Việt Nam tiêu thụ gần 12 tấn vàng trong quý III/2023
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới quý III/2023 cho thấy, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý III năm 2023 so với 12,0 tấn trong quý III năm 2022. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, từ 3,5 tấn trong quý III năm 2022 xuống còn 3,0 tấn trong quý III năm 2023. Tuy nhiên, thị trường vàng được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng, với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ, từ 8,5 tấn trong quý III năm 2022 lên 8,8 tấn trong quý III năm 2023.
Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) kiêm Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương tại Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý III đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mất giá của đồng Việt Nam đã thúc đẩy các nhà đầu tư tận dụng mức điều chỉnh giá trong tháng 8 như mức khởi điểm an toàn để đầu tư chiến lược vào vàng thỏi và xu vàng như một kênh tích sản.
Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng ngân hàng trong 3 quý đầu năm đã lộ diện với sự suy giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, bức tranh lợi nhuận cho thấy sự phân hoá 2 cực: một phía ghị nhận tăng trưởng mạnh, phía còn lại suy giảm và thậm chí thua lỗ.
Trong quý III, tổng lợi nhuận trước thuế của các nhà băng này đạt trên 59.600 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có đến 14 ngân hàng tăng trưởng âm, 13 ngân hàng tăng trưởng dương và 1 ngân hàng bị lỗ.
Tính chung trong 3 quý đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 nhà băng đã báo cáo kết quả kinh doanh đạt gần 187.500 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng (tương đương 2%) so với cùng kỳ năm ngoái, thực hiện 68% kế hoạch năm. Trong đó, có 5 ngân hàng thực hiện được từ 80% trở lên kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Doanh nghiệp nào đang đứng đầu lãi tiền gửi ngân hàng?
9 tháng đầu năm nay, nhiều công ty tăng mạnh tiền gửi ngân hàng. Có doanh nghiệp lãi tiền gửi bình quân mỗi ngày nhận về gần 6 tỷ đồng.
Trong số doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền gửi ngân hàng rất lớn, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) ở tốp đầu với gần 39.800 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD) thời điểm cuối tháng 9/2023. Số tiền gửi này chiếm 47% tổng tài sản của PV Gas.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng thuộc top doanh nghiệp nhiều tiền. 9 tháng đầu năm nay, số dư tiền gửi ngân hàng của BSR đã tăng hơn 11.400 tỉ đồng, đạt gần 36.500 tỷ đồng.
Fed 'hạ cánh mềm', Thống đốc NHNN Việt Nam giảm áp lực
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra chính sách khá ôn hòa thì thị trường tài chính, hàng hóa thế giới đã ổn định trở lại. Việc này được dự báo sẽ tác động tích cực đến thị trường tài chính Việt Nam.
Theo giới phân tích, quyết định ngừng tăng lãi suất của Mỹ có thể giúp giảm nỗi lo tỷ giá, tác động nhất định đến chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Với thị trường chứng khoán, khi tỷ giá ổn định trở lại và lãi suất thấp, dòng vốn ngoại sẽ ngừng rút và có thể đảo chiều mua ròng. Tâm lý của các nhà đầu tư cũng sẽ bình ổn trở lại.
Giải trình trước Quốc hội về băn khoăn của các đại biểu Quốc hội việc gói hỗ trợ lãi suất 2% quá chậm, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khoảng 176.000 tỷ đồng (tương đương 50% nguồn lực) của chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội được dành đầu tư vào những dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược.
Tuy vậy, một số chính sách thuộc chương trình phục hồi, như gói hỗ trợ lãi suất 2% của ngành ngân hàng giải ngân thấp. Đến cuối tháng 10, gói này mới giải ngân 873 tỷ đồng, tức gần 2,3% nguồn lực (40.000 tỷ đồng).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có lỗi của việc thiết kế chương trình.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Lãi suất cho khoản vay mới đã giảm 2%
"Mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới, giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Liên quan tới vấn đề điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, bà Hồng cho rằng, nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao trong các nước cao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022, nền kinh tế hiện đang "khát vốn" nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 đến 2%/1 năm, điều này cho thấy tình hình sản xuất và kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Còn theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, mặc dù hệ thống ngân hàng đã hào phóng giảm lãi suất 4 lần liên tục nhưng việc doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vẫn là rất khó và khó nhất vẫn là những điều kiện ràng buộc và thủ tục hành chính.
Tỷ giá vẫn tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng, khiến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại. Theo giới phân tích, nếu tỷ giá hoặc lãi suất biến động mạnh hơn, nhà điều hành sẽ đưa ra kịch bản hành động mới. Nhìn chung, NHNN vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng tương đối ổn định của tỷ giá và lãi suất.
Có thể thấy, sau động thái chủ động hút tiền về của NHNN, thị trường ngoại hối đã tương đối ổn định trở lại. Tỷ giá USD/VND cho dù vẫn tiếp tục nhích lên nhưng áp lực đối với đồng nội tệ không còn lớn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone