Công nghệ chiết rót vô trùng: Giải pháp hướng tới Net Zero ngành thực phẩm

Hoàng Ngân - 30/08/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Khái niệm Net Zero thời gian gần đây nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, nhất là khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến trái đất. Nhiều giải pháp, hành động được đưa ra, hướng tới mục tiêu sản xuất và kinh doanh theo hướng bền vững. Việc ứng dụng công nghệ chiết rót vô trùng là một giải pháp hiệu quả được một số doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống áp dụng.

Cuộc chạy đua đến Net Zero - bài toán khó nhưng không phải không có cách

Thực phẩm và Đồ uống (F&B) là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Một nghiên cứu của ESG EcoVadis chỉ ra rằng, hơn 46.000 công ty ngành F&B có số điểm là 48,9 - nằm trong tốp 3 các ngành có điểm số cao nhất về các vấn đề môi trường và điểm bền vững tổng thể.

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển bền vững trong ngành liên tục được cập nhật và phát triển, bao gồm các khía cạnh về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính xanh (bền vững trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ, tái sử dụng), tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất, cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung.

Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo "Hướng tới Net-Zero: Chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thực phẩm" thuộc triển lãm Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2024, nhiều giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn đã được các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống & thực phẩm đưa ra.

Đặc biệt, khi các yêu cầu về Net-Zero và tiêu chuẩn bền vững ngày một gia tăng, đặc biệt tại các thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và có yếu tố xanh ngày càng được ưu tiên.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, chương trình thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi về việc duy trì hiệu quả sản xuất trong khi giảm phát thải. Các chuyên gia cũng cung cấp thông tin chi tiết và các bước khả thi cho doanh nghiệp.

GEA - một trong những nhà cung cấp hệ thống dây chuyền công nghệ (máy móc, nhà máy chế biến và chiết rót...) lớn nhất thế giới cho ngành thực phẩm, đồ uống và dược phẩm đã chia sẻ về giải pháp giảm phát thải – trong đó trọng tâm là công nghệ chiết rót vô trùng.

Công nghệ có vai trò chiến lược trong việc đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và đạt Net Zero vào năm 2040 của nhà cung cấp này, đồng thời mang đến giải pháp phát triển bền vững cho nhiều đối tác lớn của GEA trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông Vincent Mauer - Giám đốc điều hành Công ty TNHH GEA Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Vị đại diện GEA đưa ra các giải pháp cụ thể như: Giảm khí thải nhà kính scope 3 đạt 27.5% vào năm 2030, 100% các giải pháp được đưa ra sẽ gắn liền với việc không sử dụng đến nguồn ngước ngọt vào năm 2030, 100% những giải pháp liên quan đến quá trình đóng gói sẽ sử dụng những vật liệu bao bì bền vững vào năm 2030, 100% vật liệu dùng để bao gói máy móc hay linh kiện phụ tùng sẽ đáp ứng một trong năm R’s của kinh tế tuần hoàn (giảm thiểu, tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất, tái chế) vào năm 2026.

Là hoạt động không thể thiếu trong bất kì quy trình sản xuất đồ uống nào, công nghệ chiết rót aseptic (vô trùng ở nhiệt độ phòng) đang được ứng dụng trong ngành đồ uống hiện nay nhằm giảm thiểu tối đa tác động với môi trường.

Aseptic là công nghệ bao gồm phức hợp các công đoạn kết nối chặt chẽ với nhau (từ công đoạn chế biến, phối trộn, tiệt trùng sản phẩm UHT (Ultra High Temperature), chiết rót và đóng nắp) để cho ra đời một sản phẩm.

Quá trình này được thực hiện trong hệ thống khép kín và vô trùng. Cả chai và nắp cũng phải được tiệt trùng. Hệ thống chiết rót Aseptic có khả năng thu hồi dung dịch tiệt trùng chai, nắp (Peracetic Acid - PAA), thu hồi nước vô trùng bên cạnh việc tiêu thụ năng lượng thấp.

Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH GEA Việt Nam, giải pháp chiết rót vô trùng mang lại nhiều lợi ích trên hành trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero. Hệ thống rửa nước vô trùng mới ở trong GEA ECOSpin đã nhận được nhãn dán GEA Add Better, giúp làm giảm tiêu thụ nước đáng kể nhờ vào thiết kế vòi phun mới lên tới 91% so với các phiên bản trước đó. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể tích hợp vào để nâng cấp cho các thiết bị đời trước đó, đạt được hiệu quả tiết kiệm nước lên đến 83%.

Với công nghệ chiết rót vô trùng này, hệ thống tiệt trùng sản phẩm (UHT) sử dụng công nghệ trao đổi nhiệt ít tác động đến môi trường hơn, giúp tiết kiệm năng lượng đến 90% (trong khi đó việc chiết nóng tiết kiệm 60% năng lượng).

GEA sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tân Hiệp Phát trong dự án chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu Net Zero

Không chỉ vậy, công nghệ vô trùng còn giúp giảm thiểu lượng nhựa sử dụng so với các công nghệ khác như chiết nóng. Với sự hợp tác của GEA, mỗi sản phẩm đóng chai mang thương hiệu Tân Hiệp Phát đã giảm 50% trọng lượng chai sử dụng, chỉ còn 13,5gram. Điều này giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính CO2 tương đương 20% với mỗi chai sản phẩm.

Tân Hiệp Phát và nỗ lực vươn tới Net Zero thông qua hợp tác cùng GEA

GEA phát triển công nghệ Aseptic từ năm 1993 và liên tục cải tiến, đến nay đã xây dựng được thế hệ thứ 7. Tại Việt Nam, GEA đã bắt tay cùng Tân Hiệp Phát để phát triển 10 dây chuyền tốc độ cao tại các nhà máy Tân Hiệp Phát trải dài từ Bắc đến Nam tại Việt Nam. Đây cũng là những dây chuyền chiết vô trùng PET sớm nhất tại Việt Nam được tiêu chuẩn FDA công nhận đối với những sản phẩm axit thấp.

Sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp giúp đem đến những sản phẩm đồ uống có hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đồng thời giữ được màu sắc và mùi vị tự nhiên, tinh khiết, không chứa chất bảo quản.

Bên cạnh đó, công nghệ này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai. Công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng.

Thời gian tới, GEA sẽ cùng Tân Hiệp Phát thực hiện một số dự án dựa trên cụm chiết rót vô trùng công nghệ GEA ECOSpin2 ZERO và công nghệ GEA Modulbloc. Theo đó, GEA và Tâm Hiệp Phát sẽ tập trung phát triển về thiết bị để được công nhận nhãn dán “GEA Add Better” (là nhãn dán đảm bảo việc thực hành bền vững được tốt hơn).

Mục tiêu trọng tâm vẫn là giảm lượng nhựa nhiều nhất có thể. Công nghệ chiết rót Aseptic cũng sẽ đảm bảo giảm lượng nhựa, tăng hương vị cảm quan và thời hạn sử dụng của sản phẩm giúp tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn trên thị trường theo cách bền vững hơn.

Cận cảnh dây chuyền công nghệ chiết lạnh vô trùng Aseptic do GEA cung cấp và vận hành tại nhà máy của Tân Hiệp Phát

Bên cạnh đó, GEA cũng có nhiều đổi mới công nghệ cho các thiết bị khác của dây chuyền như máy thổi chai: ngoài công nghệ thổi chai hiện tại, GEA có thêm công nghệ thổi chai vô trùng. Đây cũng là cách giúp giảm thiểu nhựa đồng thời giúp tiết kiệm nước và năng lượng khá đáng kể. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò đáng kể trong kế hoạch Net Zero vào năm 2030.

Cùng chuyên mục
Tin khác