Công nhân Trung Quốc trở lại nhà máy, giới đầu tư vui mừng

T.Lê - 11/02/2020 07:47 (GMT+7)

Việc các công nhân, nhà máy Trung Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài do dịch bệnh nCoV giúp nhiều cổ phiếu tăng giá, đẩy phố Wall tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới (10/2), trong đó S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới.

VNF
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài hơn kế hoạch do bị ảnh hưởng bởi đại dịch nCoV, các công nhân, nhà máy Trung Quốc đã trở lại làm việc trong ngày 10/2 khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Sự trở lại của các công nhân Trung Quốc giúp nhiều tập đoàn lớn thở phào vì đa số đều có nhà máy sản xuất đặt ở đây như Apple, Tesla…

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng phản ứng tích cực với thông tin này, giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại sau phiên giảm cuối tuần qua và đầu phiên đầu tuần do nỗi sợ bùng phát mạnh của virus Corona sau cảnh bảo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc những gì chúng ta chứng kiến về đại dịch nCoV hiện tại chỉ như phần nổi của tảng băng.

Ngoài ra, việc Trung Quốc bơm mạnh tiền vào thị trường, cùng với các dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ được công bố trước đó cũng củng cố tâm lý nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu Taubman Centres Inc tăng tới 53,2% sau thông tin nhà điều hành trung tâm thương mại này được mua lại bởi đối thủ lớn hơn Simon Property Group Inc trong thỏa thuận trị giá 3,6 tỷ USD. Cổ phiếu của Simon cũng tăng 1,4%.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Dow Jones tăng 174,31 điểm (+0,60%), lên 29.276,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,38 điểm (+0,73%), lên 3.352,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 107,88 điểm (+1,13%), lên 9.628,39 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nỗi lo sự bùng phát của virus Corona khi số người chết vượt qua đại dịch SARS năm 2003 và cảnh bảo từ WHO các thị trường lao mạnh đầu phiên. Tuy nhiên, đà giảm sau đó được hãm dần và chỉ còn mức giảm khiêm tốn khi đóng cửa nhờ các cổ phiếu phòng thủ và thông tin về mua bán, sáp nhập.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 19,82 điểm (-0,27%), xuống 7.446,88 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 19,78 điểm (-0,15%), xuống 13.494,03 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 14,08 điểm (-0,23%), xuống 6.015,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng thứ 5 liên tiếp khi người lao động trở lại làm việc sau biện pháp nới lỏng của Chính phủ, thì các thị trường khác lại chìm trong sắc đỏ do nỗi lo sự bùng phát virus Corona trở lại với giới đầu tư sau cảnh báo từ WHO.

Kết thúc phiên 10/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 142,00 điểm (-0,60%), xuống 23.685,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,52 điểm (+0,51%), lên 2.890,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 162,93 điểm (-0,59%), xuống 27.241,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 10,88 điểm (-0,49%), xuống 2.201,07 điểm.

Giá vàng có thời điểm tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần mới sau những cảnh báo đáng lo ngại của WHO về đại dịch nCoV, nhưng sau đó đã hãm đà tăng khi thị trường chứng khoán đảo chiều tăng điểm, thu hút dòng tiền chảy vào kênh này.

Kết thúc phiên 10/2, giá vàng giao ngay tăng 1,8 USD (+0,12%), lên 1.571,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 6,1 USD (+0,39%), lên 1.579,5 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm do nhu cầu của Trung Quốc yếu vì ảnh hưởng bởi đại dịch nCoV. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi xem Nga có tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng tiếp theo với OPEC hay không. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu xuống mức thấp nhất 13 tháng.

Kết thúc phiên 10/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,75 USD (-1,49%), xuống 49,57 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,20 USD (-2,2%), xuống 53,27 USD/thùng.

Xem thêm >> Hết dịch tả lợn đến virus corona, lạm phát Trung Quốc lại tăng phi mã

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác