Nhà thầu lao đao vì nợ chồng chất, chủ đầu tư chây ì chiếm dụng vốn
(VNF) - Các nhà thầu xây dựng phải chịu tới 4 loại bảo lãnh, trong khi ở chiều ngược lại, chủ đầu tư không có bất cứ bảo lãnh gì về khả năng thanh toán. Điều này dẫn đến tình trạng các nhà thầu xây dựng bị chiếm dụng vốn, nợ đọng lớn, khó khăn về tài chính và ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn của ngành xây dựng. Một trong những điểm đáng chú ý được VACC nêu lên là tình trạng bất bình đẳng về bảo lãnh giữa nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư.
Cụ thể, nhà thầu xây dựng phải chịu 4 loại bảo lãnh gồm: bảo lãnh đấu thầu (khi dự thầu); bảo lãnh thực hiện hợp đồng (nếu trúng thầu); bảo lãnh tạm ứng (khi bắt đầu nhận tạm ứng); bảo lãnh bảo hành (khi xong công trình). Trong khi đó, chủ đầu tư không có bất cứ bảo lãnh gì về khả năng thanh toán đối với nhà thầu. Điều này đã dẫn đến một thực tế là rất nhiều chủ đầu tư chậm thanh toán cho nhà thầu, thậm chí không thanh toán, khiến các nhà thầu chịu công nợ lớn.
Trường hợp điển hình được VACC dẫn ra là công trình toà nhà Artemis ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội do Công ty MHL làm chủ đầu tư, Tập đoàn Xây dựng Delta là nhà thầu chính, tổng giá trị hợp đồng xây dựng là 403 tỷ đồng. Dự án đã làm xong từ năm 2017 nhưng hiện chủ đầu tư vẫn nợ, thậm chí kiếm cớ không thanh toán 63 tỷ đồng cho nhà thầu. Hai bên xử lý bằng hoà giải trọng tài kinh tế không thành công. Từ năm 2011, Delta đã khởi kiện dân sự ở Toà án quận Thanh Xuân cũng chưa giải quyết được.
Theo VACC, tình trạng nợ đọng dẫn đến các nhà thầu chịu khó khăn rất lớn về tài chính, thiệt hại nặng nề về kinh doanh, vì thế “nếu cơ chế này không sớm thay đổi thì sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng nào có thể tồn tại chứ chưa nói đến phát triển”.
Thống kê của Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance cho thấy, trong số các doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết, khá nhiều đơn vị có công nợ phải thu rất lớn.
Tính đến cuối quý I/2024, xét về giá trị tuyệt đối, khoản phải thu lớn nhất thuộc về Coteccons – HoSE: CTD (11.891 tỷ đồng), theo sau là Hòa Bình – HoSE: HBC (10.618 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Số 1 – HoSE: CC1 (7.351 tỷ đồng), Vinaconex – HoSE: VCG (6.952 tỷ đồng), Sông Đà – UPCoM: SJG (6.553 tỷ đồng) Tracodi – HoSE: TCD (6.526 tỷ đồng), Hưng Thịnh Incons – HoSE: HTN (5.897 tỷ đồng), Ricons (4.235 tỷ đồng), Fecon – HoSE: FCN (4.005 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – UPCoM: HAN (3.116 tỷ đồng)…
Nếu xét về tỷ trọng trong cơ cấu tổng tài sản, các doanh nghiệp có tỷ trọng các khoản phải thu lớn nhất là: HTN (81%), TCD (72,8%), HBC (71,6%), CTD (56,8%), Ricons (56,7%), Phục Hưng Holdings – HoSE: PHC (53,1%), HAN (49,3%) CC1 (49,4%), FCN (47,2%), Tổng công ty Thăng Long – HNX: TTL (46,4%) Đua Fat – UPCoM: DFF (46,1%)…
Trong số các doanh nghiệp kể trên, không ít đơn vị có nợ xấu lớn, phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tiêu biểu là: HBC (2.387 tỷ đồng), SJG (2.099 tỷ đồng), CTD (1.356 tỷ đồng). Giá trị dự phòng đạt hàng trăm tỷ đồng gồm có: VCG (586 tỷ đồng), Ricons (250 tỷ đồng), TTL (164 tỷ đồng), HAN (162 tỷ đồng), CC1 (158 tỷ đồng), Licogi 18 – HNX: L18 (122 tỷ đồng)…
Việc có công nợ quá lớn, không chỉ khiến các doanh nghiệp xây dựng phải trích lập dự phòng cao mà còn là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ vay của các doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng. Cho tới cuối quý I/2024, nợ vay của nhiều doanh nghiệp đã ở mức lớn, như: VCG (9.427 tỷ đồng), SJG (7.278 tỷ đồng), HBC (4.490 tỷ đồng), CC1 (4.244 tỷ đồng), FCN (2.814 tỷ đồng), L18 (2.258 tỷ đồng), HTN (2.050 tỷ đồng)…
Đây là nguyên nhân quan trọng khiến tổng nợ phải trả của nhiều doanh nghiệp xây dựng ở mức rất cao, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, điển hình như: L18 (gấp 7,28 lần), HTN (gấp 3,36 lần), PCH (3,39 lần), TTL (gấp 3,2 lần), HAN (gấp 2,9 lần), CC1 (gấp 2,49 lần), SJE (gấp 2,12 lần)…
Nợ sinh ra chi phí tài chính, nợ xấu sinh ra dự phòng (ghi vào chi phí quản lý doanh nghiệp), đây là 2 nguyên nhân chủ yếu “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong nhiều quý qua, lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp xây dựng đều ở dạng “siêu mỏng”.
Nhưng nguy hiểm hơn cả việc lợi nhuận “siêu mỏng”, tnh trạng công nợ càng kéo dài, càng trầm trọng sẽ đưa các doanh nghiệp xây dựng đến tình trạng kiệt quệ, thậm chí phá sản.
Vì thế, nói như VACC, cần phải xây dựng chế tài đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, trước hết là điều chỉnh quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu theo những nguyên tắc bình đẳng, cả hai bên phải có trách nhiệm với nhau: nhà thầu bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư thì ngược lại, chủ đầu tư cũng phải bảo lãnh thanh toán với nhà thầu. Chủ đầu tư nếu chậm thanh toán phải có cơ chế phạt lãi để bảo vệ nhà thầu. Có như vậy, ngành xây dựng mới có thể tồn tại qua giai đoạn khắc nghiệt hiện nay.
Hà Nội: Đề nghị làm rõ pháp lý thu hồi đất Khu biệt thự Vườn Cam
- Thái Nguyên: Tìm nhà đầu tư đủ vốn 4.000 tỷ làm khu đô thị mới 02/07/2024 08:15
- Bất động sản mở những kênh vốn tỷ USD mới 02/07/2024 08:00
- Quảng Bình: Ra điều kiện chọn nhà đầu tư làm khu đô thị 1.800 tỷ 02/07/2024 07:30
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.