'Cửa sáng' nào cho HSC tìm lại hào quang trong ngành chứng khoán?
Thanh Long -
08/10/2024 09:55 (GMT+7)
(VNF) - Nâng dần thị phần môi giới, đồng thời gia tăng cho vay margin đang là hướng đi của HSC nhằm trở lại đường đua lợi nhuận.
Tìm lại thời hoàng kim
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC, HoSE: HCM), cùng với Công ty Chứng khoán SSI, là hai công ty chứng khoán lọt vào Top 3 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE lâu nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, nếu như SSI vẫn ở trong Top 3 cho đến tận bây giờ thì HSC lại “bật bãi” khỏi Top 3 từ quý III/2021 và từ đó đến nay chưa có quý nào trở lại. Có những quý, HSC còn rơi ra khỏi Top 5 thị phần.
Đỉnh cao thị phần trong 10 năm qua của HSC là 15,83%, diễn ra vào quý IV/2017, tăng tới hơn 5 điểm phần trăm so với quý liền trước đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà bùng nổ. Từ khi “bật bãi” khỏi Top 3, thị phần môi giới chứng khoán trên sàn HoSE của HSC thường dao động trong khoảng từ 5% đến không quá 7%.
Điều gì đã khiến HSC tụt lại trong cuộc đua thị phần môi giới? Thời điểm HSC ra khỏi Top 3 diễn ra vào đúng “cơn sóng thần” tiếp theo của thị trường chứng khoán với sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong nước thời đại dịch Covid-19. HSC - vốn dĩ có lợi thế phục vụ khách hàng nước ngoài - đã bị các công ty chứng khoán có đội ngũ môi giới hùng hậu và công nghệ giao dịch hiện đại, trải nghiệm giao dịch thân thiện với nhà đầu tư cá nhân như VNDIRECT và VPS lấn át. Mặt khác, việc tăng vốn không kịp thời do phải được sự đồng ý của cổ đông Nhà nước là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến HSC bị tụt hậu.
Số liệu từ báo cáo tài chính của HSC cho thấy suốt từ quý II/2019 đến quý III/2021, HSC không tăng vốn điều lệ, khiến công ty chứng khoán này buộc phải “liều mình” tăng vay nợ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Dư nợ vay của HSC cuối quý II/2019 chỉ ở mức 2.441 tỷ đồng, sang đến quý III/2021 đã tăng lên… 12.886 tỷ đồng, nghĩa là tăng gấp hơn 5 lần chỉ trong vòng hơn 2 năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng tăng vọt từ 58% lên 251% trong cùng khoảng thời gian.
Mất dần vị thế thị phần, lợi nhuận của HSC cũng kém sắc. Sau khi đạt đỉnh 1.430 tỷ đồng trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế của HSC giảm xuống còn 1.068 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục giảm xuống 842 tỷ đồng vào năm 2023. Nguyên nhân quan trọng nhất chính nằm ở mảng môi giới chứng khoán. Thanh khoản thị trường suy giảm cùng với việc đánh mất thị phần và cuộc cạnh tranh phí giao dịch đã khiến lãi thuần từ mảng môi giới chứng khoán (doanh thu môi giới chứng khoán - chi phí môi giới chứng khoán) của HSC giảm từ 623 tỷ đồng trong năm 2021 xuống 309 tỷ đồng trong năm 2022 và tiếp tục xuống 202 tỷ đồng trong năm 2023.
Lãi thuần từ hoạt động tự doanh cũng chứng kiến sự suy giảm liên tục qua các năm. Trong khi đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu (chủ yếu là cho vay margin) trồi sụt, từ 1.179 tỷ đồng hồi năm 2021 tăng lên 1.273 tỷ đồng trong năm 2022 rồi lại giảm xuống chỉ còn 1.067 tỷ đồng trong năm 2023. Nhìn sang nhiều công ty chứng khoán khác, mặc dù lợi nhuận từ các mảng tự doanh và môi giới chứng khoán có thể suy giảm nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn khởi sắc, nhất là trong năm 2023, bởi hoạt động cho vay margin vẫn tăng trưởng tốt.
Điều này cũng dễ hiểu bởi hai yếu tố. Thứ nhất, dư nợ cho vay margin khó có thể bứt lên trong bối cảnh thị phần môi giới suy giảm, chẳng hạn như quý II/2023 và quý III/2023, HSC thậm chí còn ra khỏi Top 5 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE. Thứ hai, hạn chế về nguồn vốn tự có phần nào cũng khiến HSC lép vế hơn trong cuộc đua thị phần cho vay margin; công ty chứng khoán này đã phải liên tục nâng tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu từ 69% vào cuối quý I/2023 lên 110% vào cuối quý IV/2023 để đáp ứng nhu cầu vốn.
Nhưng không có khó khăn nào là mãi mãi. Nửa đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của HSC đã khởi sắc hơn nhiều khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 736 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tận dụng việc thị phần môi giới liên tục cải thiện trong 2 quý đầu năm, cộng với việc tăng vốn thành công thêm gần 1.800 tỷ đồng, đồng thời huy động thêm lượng lớn vốn vay (khiến tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng từ 110% lên 153%), HSC đã đẩy rất mạnh hoạt động cho vay margin. Dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán này tăng vọt từ khoảng 12.100 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng, tức là tăng gấp rưỡi. Hệ quả là lãi từ hoạt động cho vay margin nửa đầu năm nay tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, là lực đẩy quan trọng nhất cho lợi nhuận sau thuế bứt phá.
Sang đến quý III/2024, mặc dù thứ hạng thị phần môi giới của HSC vẫn giữ nguyên nhưng thị phần tiếp tục tăng quý thứ 5 liên tiếp.
Cơ hội chuyển mình
Nâng dần thị phần môi giới, đồng thời gia tăng cho vay margin đang là hướng đi của HSC nhằm trở lại đường đua lợi nhuận. Trước mắt, chiến lược này đã cho thấy hiệu quả trong nửa đầu năm 2024. Nhưng tình hình có thể còn thuận lợi hơn từ quý IV/2024 trở đi.
Cụ thể, ngày 2/11/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS). Đây là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.
Tình huống này có thể được ví như “gió đổi chiều” đối với HSC khi lợi thế phục vụ nhà đầu tư nước ngoài trước đây bị mai một trong đợt bùng nổ nhà đầu tư cá nhân trong nước, nay có thể lại trở thành “động cơ” để HSC bứt tốc trong thời gian tới. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt, cộng thêm Thông tư 68 có hiệu lực, dự báo sẽ khiến dòng vốn ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là chưa kể đến dòng vốn trực tiếp đổ vào Việt Nam khi chính thức được FTSE Russell nâng hạng (dự báo trong năm 2025) và xa hơn là triển vọng nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội “trời ban” này, bài toán nguồn vốn vẫn cần phải được HSC chú ý. Như đã đề cập, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HSC tính đến cuối tháng 6/2024 đã lên đến 153%, trong khi bình quân của 19 công ty chứng khoán trong nước chỉ là 124%. Điều này hàm ý rằng HSC vẫn cần tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu trong thời gian ngắn sắp tới thì “rộng đường” khai thác cơ hội “trời ban”.
HFIC, cổ đông Nhà nước sở hữu trên 23% cổ phần của HSC, được cho là sẽ thoái vốn trong năm 2025. Đây sẽ là “game lớn” đối với HSC và nếu HFIC thoái thành công toàn bộ vốn, HSC sẽ chủ động hơn trong huy động vốn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.