Cuộc ‘biến động’ tại An Phát Holdings: Đã tìm ra người ngồi 'ghế nóng'

Hà Lê - 10/10/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Lê Thăng Long là người tiếp quản "ghế nóng" sau khi nhà sáng lập Phạm Ánh Dương rời An Phát Holdings.

Ngày 9/10/2024, Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) đã ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Đây được xem là sự kiện mở đầu cho một cuộc “tái thiết” sau nhữn biến động khi nhà sáng lập Phạm Ánh Dương “dứt áo ra đi”.

Cụ thể, tại cuộc họp này, cổ đông An Phát Holdings đã tiến hành biểu quyết đối với một loạt thay đổi quan trọng, bao gồm việc sửa đổi chi tiết một số ngành nghề kinh doanh; điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty.

Đáng chú ý, báo cáo giao dịch với các bên liên quan phát sinh trong năm 2024 cũng được thông qua với thương vụ trung tâm là giao dịch chuyển nhượng 11,1 triệu cổ phiếu NHH tại Công ty CP Nhựa Hà Nội cho Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) – một động thái tái cơ cấu sở hữu trong Tập đoàn.

Đặc biệt, cuộc họp đã tìm ra người lĩnh xướng cuộc “tái thiết” thay cho ông Phạm Ánh Dương. Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, ông Nguyễn Lê Thăng Long – người được HĐQT An Phát Holdings đề cử vài ngày trước thềm ĐHĐCĐ bất thường – sẽ tiếp quản “ghế nóng”.

Thông báo thay đổi nhân sự của An Phát Holdings

Gương mặt thân quen

Tại hệ sinh thái An Phát, ông Nguyễn Lê Thăng Long (sinh năm 1984) vốn không phải “người mới”. Gia nhập An Phát Holdings từ năm 2017 với cương vị Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (sau này là Ban Nghiên cứu và Phát triển), ông Long từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn này. Năm 2019, sau 2 năm gắn bó với Ban Nghiên cứu và Phát triển, ông được thăng chức lên vị trí Giám đốc. Cũng chỉ sau 2 năm, ông Long được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc An Phát Holdings.

Trong khoảng thời gian nói trên, từ năm 2018 đến năm 2020, ông Nguyễn Lê Thăng Long còn đảm nhận vai trò Thành viên HĐQT tại Nhựa Hà Nội – một trong ba “mũi nhọn” của hệ sinh thái An Phát. Rời HĐQT Nhựa Hà Nội, ông Long được bầu vào vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT Nhựa An Phát Xanh – pháp nhân “lõi” của hệ sinh thái An Phát, trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp này.

Hiện nay, ông Nguyễn Lê Thăng Long đang đảm đương trách nhiệm của người đứng đầu tại một loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái An Phát: Chủ tịch HĐQT Nhựa An Phát Xanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP AnBio, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất PBAT An Phát và Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH AnKor Bioplastics.

Cần biết, ông Long từng có 5 tháng giữ “ghế” Thành viên HĐQT An Phát Holdings trước khi từ nhiệm vào tháng 4 năm nay để tập trung cho công tác điều hành trên cương vị Phó tổng giám đốc và công tác quản trị trên cương vị Chủ tịch HĐQT Nhựa An Phát Xanh.

Tuy nhiên, cuối tháng 9, ông Nguyễn Lê Thăng Long đã xin thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings. Cộng thêm việc được bầu trở lại HĐQT, ông Long được cho là sẽ chuyên tâm cho công tác quản trị, thay vì điều hành như trước kia.

Chân dung tân Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings Nguyễn Lê Thăng Long

Tân Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings cũng được đánh giá cao về chuyên môn khi sở hữu bằng Cử nhân Hoá học, Thạc sĩ và Tiến sĩ Khoa học Vật liệu của các trường Đại học danh tiếng tại Pháp. Chưa kể, vị này từng có nhiều năm làm chuyên viên phát triển sản xuất tại Mobidiag France (Pháp).

Về sở hữu, ông Long đang nắm 750 cổ phiếu APH, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,0003%.

An Phát Holdings đang làm ăn ra sao?

Về kết quả kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty mẹ An Phát Holdings lỗ sau thuế hơn 40,2 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 271 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ và hợp nhất của An Phát Holdings đều có sự sụt giảm. Cụ thể, tại ngày 30/6/2024, vốn của sở hữu của công ty mẹ An Phát Holdings ở mức 2.252,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 2.595,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn chủ hợp nhất của doanh nghiệp có trụ sở chính tại Nam Sách (Hải Dương) cũng giảm nhẹ về 5.940 tỷ đồng so với mức 6.069 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã soát xét của An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.640 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế, như đã nói ở trên, đạt 271 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ.

Theo giải trình của An Phát Holdings, sự tăng trưởng tích cực này là nhờ giá hạt nhựa ổn định giúp lợi nhuận gộp tăng 38%. Đồng thời, do hưởng lợi từ tỷ giá nên doanh thu tài chính trong kỳ cũng có sự cải thiện tích cực.

Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn lỗ luỹ kết gần 142 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu APH chưa thể thoát khỏi diện cảnh báo. Từ đầu tháng 6 đến nay, mã này liên tục lao dốc và đang giao dịch ở vùng đáy lịch sử.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của An Phát Holdings ghi nhận ở mức 6.942 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2023. Trong đó, chiếm quá nửa là nợ vay tài chính, bao gồm gần 3.117 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 519 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Đây sẽ là gánh nặng lớn của doanh nghiệp trong thời gian tới.

An Phát Holdings: Đằng sau sự rút lui Chủ tịch Phạm Ánh Dương

An Phát Holdings: Đằng sau sự rút lui Chủ tịch Phạm Ánh Dương

Doanh nghiệp
(VNF) - Cùng với việc Chủ tịch HĐQT từ nhiệm, An Phát Holdings cũng thông báo hạ chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Sắp tới, Tập đoàn sẽ thay đổi ngành nghề kinh doanh và sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu APH đã có phản ứng "dữ dội".
Cùng chuyên mục
Tin khác