Cuộc chiến Pháp - Đức về thỏa thuận thương mại với khối Nam Mỹ đe dọa EU

Minh Đăng - 06/12/2024 11:56 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/12 đã bay đến Uruguay trong nỗ lực ký kết một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt của Liên minh châu Âu (EU) với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Đức vô cùng mong muốn và Pháp thì phản đối.

Bùng phát rạn nứt Pháp - Đức

Hành động lớn đầu tiên của bà Ursula von der Leyen trong nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là người đứng đầu điều hành EU đang làm bùng phát rạn nứt nghiêm trọng giữa Pháp và Đức và đe dọa làm lung lay nền tảng mà EU đang xây dựng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Bà cho rằng vạch đích của một Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Mercosur, đã mất nhiều thập kỷ để thực hiện, cuối cùng đã ở trong tầm tay.

Đối với người Đức, đó là tin tuyệt vời. Thỏa thuận Mercosur là cơ hội vàng để nước này tìm kiếm thị trường tăng trưởng mới cho các "ông lớn" sản xuất đang đau yếu. Nhóm vận động hành lang xe hơi VDA có ảnh hưởng lớn cho biết vào ngày 5/12 rằng việc chốt thỏa thuận là "tầm quan trọng cốt lõi".

Đối với người Pháp, chuyến đi tới Uruguay của bà von der Leyen là điều họ không muốn. Người Pháp lo ngại thỏa thuận này sẽ làm suy yếu nông dân của họ bằng một làn sóng gia cầm và thịt bò giá rẻ từ Mỹ Latinh, và sẽ khơi dậy cơn thịnh nộ của người dân đối với giới cầm quyền và EU.

Rạn nứt giữa Đức và Pháp rất nhạy cảm với toàn bộ khối EU vì đàm phán các thỏa thuận thương mại là một trong những thẩm quyền quan trọng nhất được giao phó cho Ủy ban châu Âu thay mặt cho tất cả 27 quốc gia EU.

Người Pháp lo ngại thỏa thuận này sẽ làm suy yếu nông dân của họ bằng làn sóng gia cầm và thịt bò giá rẻ từ Mỹ Latinh (Ảnh: Lionel Bonaventure/AFP/Getty Images)

Chỉ mới một tuần trong nhiệm kỳ thứ hai, chuyến đi tới Uruguay được coi là một "canh bạc lớn" đối với bà von der Leyen, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng ở Pháp, nơi chính phủ đã sụp đổ vào đêm 5/12.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vận động trong nhiều năm để trì hoãn thỏa thuận này. Văn phòng của ông cho biết ông đã nói chuyện với bà von der Leyen vào ngày 5/12, nhấn mạnh rằng thỏa thuận vẫn không thể chấp nhận được ở bối cảnh hiện tại.

"Chúng tôi sẽ không dừng lại và sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền nông nghiệp của mình", Điện Élysée tuyên bố.

Bất kể điều gì xảy ra ở Uruguay, rủi ro đang gia tăng là một trong hai nền kinh tế lớn nhất EU - những thành viên sáng lập của khối đã cùng nhau hợp tác trong nhiều thập kỷ để xây dựng một thị trường chung cho 450 triệu người - sẽ phá vỡ hàng ngũ và đơn phương hành động: Đức sẽ thúc đẩy thỏa thuận và Pháp sẽ phản đối.

Cơn thịnh nộ dễ bùng nổ

Đây là một cuộc chiến khó khăn khi Berlin và Paris phải chạy đua để tìm kiếm đồng minh trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa EU và Mercosur diễn ra nhanh chóng trong những tháng gần đây.

Kim ngạch thương mại giữa một số nước EU với các nước thuộc khối Mercosur.

Mặc dù quyền phủ quyết trên thực tế của Pháp đối với các hiệp định thương mại lớn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và mất đi ảnh hưởng ở Brussels, nhưng nước này vẫn tìm cách tập hợp nhóm thiểu số các quốc gia thành viên EU phản đối mà họ cần để hủy bỏ thỏa thuận tại Hội đồng EU.

Điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của các quốc gia đại diện cho 35% dân số EU. Trong khi Ba Lan gần đây đã tham gia phe chống thỏa thuận, Ý vẫn chưa thay đổi. Điều đó khiến ông Macron vẫn thiếu số phiếu cần thiết.

Nhưng bất chấp mọi lo ngại về thịt bò và gia cầm giá rẻ của Mercosur tràn ngập thị trường châu Âu, cảnh báo của Pháp dường như vẫn không được lắng nghe.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vận động nhiều năm để trì hoãn thỏa thuận này. (Ảnh: Ludovic Marin/Getty Images)

Bất chấp mọi bất ổn chính trị ở Pháp, Berlin và những người ủng hộ thỏa thuận này lập luận rằng việc thắt chặt quan hệ với các nước Mercosur trên hết là vấn đề uy tín địa chính trị của khối này, vào thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khả năng cao sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1 tới.

“Chủ tịch Ủy ban luôn nghĩ đến lợi ích của toàn bộ EU. Và đây thực sự là vấn đề địa chính trị, địa chiến lược”, một quan chức chính phủ từ một quốc gia lớn trong EU cho biết.

“Nếu chúng ta luôn nói rằng châu Âu phải mạnh mẽ trên thế giới và theo kịp Trung Quốc và Mỹ, thì chúng ta không thể nói rằng chúng ta sẽ không làm được điều đó với một thỏa thuận có quy mô như thế này", người này nhấn mạnh thêm.

Theo các nhà quan sát, việc ký kết thỏa thuận này có thể thổi bùng làn sóng phản đối EU vốn đã mạnh mẽ ở Pháp, đưa nhà lãnh đạo cực hữu Marine le Pen tiến gần hơn tới quyền lực.

EU và Mercosur đã đàm phán trong hơn 2 thập kỷ về việc tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với quy mô hơn 700 triệu dân.

Thỏa thuận trên nhằm cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp và dược phẩm của châu Âu cũng như các sản phẩm nông nghiệp.

Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa EU - Mercosur đã được 2 bên nhất trí về nguyên tắc từ năm 2019, song vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà khoa học, các liên minh thương mại, tổ chức phi chính phủ, hội nông dân, các nhà vận động.

Vòng đàm phán kỹ thuật mới nhất giữa EU và Mercosur đã kết thúc vào ngày 29/11 vừa qua tại Brasilia (Brazil).

Theo POLITICO
Khủng hoảng năng lượng đe dọa châu Âu, lung lay quyết tâm 'cai nghiện' khí đốt Nga

Khủng hoảng năng lượng đe dọa châu Âu, lung lay quyết tâm 'cai nghiện' khí đốt Nga

Tài chính quốc tế
(VNF) - Các nguồn dự trữ khí đốt đang cạn kiệt nhanh chóng và nguồn cung sắp bị cắt giảm từ Nga đang đe dọa một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đối với châu Âu, nơi vẫn đang chao đảo vì những cú sốc cực độ cách đây 2 năm.
Cùng chuyên mục
Tin khác