Cuối suy thoái, tìm cơ hội ở cổ phiếu dệt may

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) - 26/09/2023 13:38 (GMT+7)

(VNF) - Dòng tiền đầu tư thường tìm kiếm cơ hội đối với cổ phiếu ngành dệt may trong giai đoạn cuối của chu kỳ suy thoái.

VNF
Cuối suy thoái, tìm cơ hội ở cổ phiếu dệt may

Thông thường những ngành nghề gắn chặt với hành vi mua sắm của người tiêu dùng là những ngành có tính chu kỳ cao. Đây là những ngành nghề được hưởng lợi trong giai đoạn kinh tế hưng thịnh nhờ lãi suất thấp và cầu tiêu dùng tăng mạnh. Khi nền kinh tế bắt đầu bước vào chu kỳ suy thoái, tỷ lệ thấp nghiệp và lãi suất dần tăng dẫn đến cầu tiêu dùng giảm mạnh. Hàng tồn kho tăng mạnh kéo theo việc cắt giảm sản lượng cũng như giảm đầu tư mở rộng sản xuất. Một số ngành chu kỳ tiêu biểu là: Ngân hàng, du lịch hàng không, bán lẻ, tiêu dùng bao gồm các nhóm ngành như ô tô, dệt may, hàng xa xỉ…

Đối với cổ phiếu nhóm ngành chu kỳ, theo thống kê qua nhiều năm của chỉ số S&P 500, các đặc trưng cơ bản của cổ phiếu nhóm ngành chu kỳ bao gồm: Thứ nhất, đây thường là những cổ phiếu có chỉ số beta cao (lớn hơn 1); thứ hai, đây là nhóm cổ phiếu có P/E thấp (so với P/E của thị trường).

Nhu cầu có xuống có lên, chỉ lo không đủ sức cạnh tranh

Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dệt may là một trong những ngành đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và đã nằm trong top 3 các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới. Trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17%/năm, phần lớn đến từ xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2021 đạt 39 tỷ USD, năm 2022 đạt 44 tỷ USD, vượt xa so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Ngoài các yếu tố lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công, chi phí thuê đất và điện hấp dẫn, yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam trong những năm gần đây là việc gia nhập hàng loạt các Hiệp định Thương mại (FTA) cũng như quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Điều này cho thấy độ mở rất lớn của ngành dệt may Việt Nam dẫn đến triển vọng vĩ mô thế giới sẽ có tác động rất lớn đến ngành.

Nếu xét đến khía cạnh tác động cụ thể thì Mỹ hiện là đối tác lớn của ngành dệt may Việt Nam với khoảng 46% thị phần xuất khẩu năm 2022, các nước EU và Nhật Bản lần lượt chiếm khoảng 12% và 11% thị phần xuất khẩu dệt may, Hàn Quốc chiếm gần 9% thị phần. Vì vậy có thể nói cầu tiêu dùng của Mỹ và Châu Âu tác động rất lớn đến diễn biến của ngành dệt may. Từ quý III/2022, lạm phát và lãi suất tăng đã phủ bóng lên triển vọng kinh tế của Mỹ và khu vực EU, khiến người tiêu dùng các nước này thắt chặt chi tiêu và lượng hàng tồn kho tăng vọt, do đó ngành dệt may Việt Nam cũng chịu tác động đáng kể.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục bị bủa vây bởi những khó khăn từ cầu tiêu dùng thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lãi suất vẫn neo ở mức cao cũng như gia tăng cạnh tranh từ các đối thủ khác như Ấn Độ, Bangladesh. Theo số liệu mới nhất vừa được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5%.

Với kết quả này, ngành dệt may xuất siêu 7,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 (cùng kỳ 2022 xuất siêu 8,8 tỷ USD). Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều ghi nhận suy giảm giá trị xuất khẩu, trong đó Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...

Tuy nhiên, một vài tín hiệu cho thấy triển vọng lạc quan hơn đối với ngành dệt may từ thời điểm này. Chỉ số lạm phát của Mỹ và khu vực Châu Âu đã hạ nhiệt đáng kể trong những tháng gần đây. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ chỉ tăng 3,0% so với một năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 4% vào tháng 5, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong hai năm gần đây. Nhiều dự báo cũng cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chỉ sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần. Lạm phát tại khu vực EU tiếp tục giảm tháng thứ 7 liên tiếp xuống còn 5,5% trong tháng 6. Bên cạnh đó, tình hình việc làm khu vực EU vẫn ổn định với tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức thấp kỷ lục, với 6,5% trong tháng 5 (nguồn: Eurostat). Những tín hiệu này mang đến kỳ vọng rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành dệt may có thể đã qua.

Tuy nhiên, trong cùng thời điểm, xuất khẩu dệt may của Bangladesh ghi nhận mức tăng trưởng gần 11% (giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2023). Điều này cho thấy, ngoài yếu tố cầu tiêu dùng thế giới chưa phục hồi, năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm. Về mặt vĩ mô, yếu tố về tỷ giá đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng. Từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đang duy trì vị thế ổn định so với đồng USD trong khi đồng nội tệ của các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh khác như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, … ghi nhận mức giảm từ 3 – 6%, điều này làm cho hàng hóa Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, xu hướng “xanh hóa” cũng đang đặt ra áp lực cho ngành dệt may. Quy định về Thẩm định chuỗi cung ứng có trách nhiệm về quyền con người và môi trường của OECD đang trở thành quy định bắt buộc ở nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Bangladesh, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của dệt may Việt Nam, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh bằng cách cắt giảm sử dụng điện và nước cũng như giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất quần áo cho thị trường nước ngoài. Đấy cũng là nước có số lượng nhà máy may mặc thân thiện với môi trường cao nhất được chứng nhận với nhãn Lãnh đạo về Thiết kế Năng lượng và Môi trường (LEED) bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ, với hơn 200 nhà máy đã được công nhận đạt được chứng chỉ này. Điều này cho thấy ngành dệt may Việt Nam cần sự đầu tư hơn nữa để kịp thời đáp ứng những quy định quốc tế trong thời gian tới.

Trong khó khăn chung của ngành, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp dệt may đều đặt kế hoạch khá thận trọng với lợi nhuận giảm từ 20% cho đến 70% so với năm trước. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 giảm 13%; Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) lên mục tiêu doanh thu 2023 giảm hơn một nửa, lợi nhuận sau thuế đạt gần 104 tỷ đồng, giảm tới 71% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã phần nào phản ánh những khó khăn của ngành. TCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 26%, hoàn thành 56% mục tiêu cả năm. Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), doanh nghiệp đầu ngành sợi, ghi nhận doanh thu giảm 40%, lợi nhuận giảm 73% trong nửa đầu năm 2023.

Ưu tiên cổ phiếu xơ, sợi

Ở giai đoạn cuối của chu kỳ suy thoái, mặc dù cầu tiêu dùng chưa phục hồi song hàng tồn kho tạo đáy do hệ quả của quá trình cắt giảm sản xuất trước đó, vì vậy một số ngành chu kỳ, trong đó có ngành dệt may, sẽ bắt đầu thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Dòng tiền đầu tư cũng thường tìm kiếm cơ hội đối với các nhóm ngành này trong giai đoạn cuối của chu kỳ suy thoái.

Tôi cho rằng những khó khăn của ngành dệt may phần nào đã phản ánh vào định giá cổ phiếu. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi, mức độ hưởng lợi của các phân khúc trong ngành cũng như của mỗi doanh nghiệp là tương đối khác nhau. Ở thời điểm này, tín hiệu phục hồi kinh tế của Trung Quốc khá rõ ràng, doanh số bán lẻ hàng hóa dệt may và giày dép của đất nước này đã tăng trên hai chữ số trong tháng 4 và tháng 5 gần đây, đánh dấu sự phục hồi tiêu dùng sau giai đoạn mở cửa. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến việc xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Vì vậy, các công ty có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung quốc cao sẽ là những doanh nghiệp có diễn biến tốt hơn trong giai đoạn này.

Cùng chuyên mục
Tin khác