Thị trường

Đại gia bán lẻ BGF Retail tiến vào thị trường Việt Nam, sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2020

(VNF) - BGF Retail – công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi CU, một trong những chuỗi lớn nhất tại Hàn Quốc vừa ký hợp đồng nhượng quyền với Công ty TNHH CUVN có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Đại gia bán lẻ BGF Retail tiến vào thị trường Việt Nam, sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2020

Bên trong siêu thị CU tại Hàn Quốc.

BGF Retail tuyên bố sẽ tham gia thị trường cửa hàng tiện ích tại Việt Nam sau khi ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với CUVN.

CUVN vừa được thành lập ngày 6/9 vừa qua, có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Mạnh Minh.

Các thỏa thuận nhượng quyền được thực hiện theo phương thức BGF Retail sẽ nhượng quyền thương hiệu, cung cấp giải pháp và bí quyết vận hành. Trong khi đó, CUVN sẽ chịu trách nhiệm đầu tư và vận hành trực tiếp.

BGF Retail tiết lộ thỏa thuận này sẽ là cơ hội giúp công ty thâm nhập khu vực Đông Nam Á, thông qua một thị trường tiềm năng là Việt Nam. BGF Retail và CUVN dự kiến sẽ vận hành cửa hàng đầu tiên vào nửa đầu năm  sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đại diện BGF Retail cho biết hãng này muốn chọn Việt Nam làm cửa ngõ để đánh chiếm thị trường Đông Nam Á.

Trước Việt Nam, vào năm 2017, BGF đã ký kết hợp đồng nhượng quyền với Central Express, công ty bán lẻ thuộc Tập đoàn Premium để nhảy vào thị trường Mông Cổ. Sau 2 năm, BGF đã phát triển mạng lưới 50 cửa hàng mang thương hiệu CU tại Mông Cổ. Trong tương lai, hãng này muốn xây dựng một chuỗi bán lẻ khác mang tính chất nội địa ở thị trường Mông Cổ.

Ngoài ra, ngay chính tại quê hương Hàn Quốc, BGF cho biết sẽ tiếp tục ra mắt một thương hiệu bán lẻ khác sau khi đã có kinh nghiệm với chuỗi CU.

Về triển vọng thị trường bán lẻ tại Việt Nam, theo Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2019 đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,2%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng qua đạt 2,76 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành hàng có mức tăng trưởng cao nhất là vật phẩm văn hoá, giáo dục, với 17,4%.

Ngành hàng lương thực, thực phẩm tụt xuống vị trí thứ hai với mức tăng 15,4%; còn đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình có mức tăng mạnh thứ ba với 13%.

Ngành hàng may mặc cũng đạt tăng trưởng khá với 12%; phương tiện đi lại tăng 10,2%.

Một số địa phương có mức tăng khá là Quảng Ninh tăng 19,7%; Bình Dương tăng 17,6%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Hải Phòng tăng 14,9%; Đà Nẵng tăng 13,9%; Nghệ An tăng 13,8%; Hà Nội tăng 12,7%;...

Tin mới lên