Diễn đàn VNF

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Cần giữ nhịp tăng trưởng bền vững

(VNF) - Năm 2022, GDP tăng trưởng 8% là điều có thể đạt được, nền tảng vĩ mô vẫn giữ được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tuy nhiên, áp lực lạm phát và những bất ổn trong nền kinh tế chính trị toàn cầu đang đặt ra lo ngại về tốc độ tăng trưởng cho năm sau và mục tiêu bền vững cho cả giai đoạn 2022-2023.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Cần giữ nhịp tăng trưởng bền vững

ĐBQH Nguyễn Quang Huân

Làm thế nào để chúng ta có thể giữ nhịp tăng trưởng và đảm bảo phát triển đều các mục tiêu - là những điều kiện cần và đủ để chúng ta phát triển bền vững cho cả giai đoạn 2022 - 2030? Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) về vấn đề này:

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023?

Với những kết quả phục hồi và phát triển khá toàn diện của năm 2022, Chính phủ đã đưa ra các chỉ tiêu cho năm 2023 khá hợp lý. Nhìn chung, xét trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, sau đại dịch Covid-19 các chuỗi cung ứng chưa được trở lại bình thường như trước đây, những kết quả phát triển kinh tế xã hội của chúng ta đã được các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận là quốc gia giữ đà phát triển ổn định tốp đầu.

Nhìn vào mục tiêu GDP tăng 6,5%, đây là mục tiêu chính, chi phối cho các hoạt động khác. Nhưng xét từ Đại hội Đảng XIII với mốc thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì tăng trưởng 6,5% là không đủ, chúng ta phải tăng trưởng liên tục 8% cho các năm còn lại. Lấy mốc năm 2022 thu nhập bình quân GDP đầu người là 4.000 USD thì chúng ta phải tăng trưởng ổn định với 8%/năm, đến năm 2030 mới đạt 7.000 USD.

Như vậy, nếu chỉ có một năm đạt dưới 6,5% thì các năm khác sẽ rất khó khăn. Do đó, theo tôi, nếu có thể, chúng ta vẫn phải tính đến tác động Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về gói kích cầu. Mục đích của nghị quyết này là muốn cho tăng thêm từ 1,5% đến 2%/năm từ năm 2022 đến 2023 để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Nếu duy trì hỗ trợ để thực hiện ổn định qua các năm mới giữ được “nhịp” của mục tiêu 2030. Tuy nhiên, nếu chúng ta thiên về phát triển thì có thể sẽ không giữ được bình ổn kinh tế vĩ mô. Cho nên, Nghị quyết 43/2022 với mục đích là bình ổn kinh tế vĩ mô bằng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ phải đi cùng với chính sách tài khoá. Chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét để đưa thêm vào chỉ tiêu phấn đấu cho năm 2023 thì sẽ toàn diện hơn, và đúng với định hướng của Đại hội Đảng XIII.

- Ông có thể nói rõ thêm về quan điểm đảm bảo yêu cầu tăng trưởng cao có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tính bền vững?

Qua tổng kết, một số chỉ tiêu của năm 2022 về môi trường, xã hội chúng ta chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, năm 2023 tôi đề nghị cần quan tâm các chỉ tiêu này. Chẳng hạn như an sinh thiết yếu của người dân. Muốn phát triển bền vững nhưng không quan tâm đến an sinh thiết yếu mà chỉ tập trung phát triển giao thông là một thiếu sót lớn. Hay như các vấn đề về thoát nước, cấp nước, chất thải rắn, nhà ở cho người thu nhập thấp, điều kiện sống của công nhân lao động… Tất cả các vấn đề này phải đưa ra chỉ tiêu cụ thể.

Khi phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải lập “ma trận” đa mục tiêu. Tức là mỗi chương trình, dự án có nhiều mục tiêu, và ngược lại một mục tiêu nằm ở nhiều chương trình, dự án. Ví dụ, xây dựng hạ tầng nhưng không tham chiếu biến đổi khí hậu thì một thời gian lại phải xây dựng chương trình biến đổi khí hậu. Đây là chủ đề lãng phí đang được đề cập tại kỳ họp này. Vấn đề này cần nghiên cứu, suy xét thêm một lần nữa, hiệu chỉnh lại kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội năm 2023 thì sẽ toàn diện hơn.

- Ngoài việc đảm bảo yêu cầu toàn diện, phục hồi của nền kinh tế còn phải có chiến lược dài hạn nữa, thưa ông?

Đúng là như vậy, việc xây dựng chiến lược dài hạn một cách chi tiết và cụ thể cho cả giai đoạn là điều vô cùng cần thiết. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta xây dựng chiến lược dài hạn trên cơ sở nào?

Tôi cho rằng, chúng ta phải dựa vào các nghị quyết của Đảng, đây là định hướng chiến lược và dài hạn. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo các chương trình mà Việt Nam đã cam kết, như COP 26, chiến lược biến đổi khí hậu... Cùng với đó, chúng ta nên vận dụng phương pháp “ma trận” đa mục tiêu để đối chiếu đa chiều. Nếu chúng ta không có đối chiếu đa chiều thì khi thực hiện chương trình, dự án sẽ không chính xác, chỉ ngắn hạn. Khi mục tiêu ngắn hạn, cụ thể một chương trình, dự án thì sẽ không tạo thành bàn đạp để đạt mục tiêu phát triển dài hạn, liên tục đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Như vậy, năm trước phải là nền tảng của năm sau, nhiệm kỳ trước phải trở thành nền tảng của nhiệm kỳ sau.

- Ông có đề xuất, kiến nghị về việc tiếp tục chương trình này?

Chúng ta phải xem lại chỉ số GDP, để bình ổn kinh tế vĩ mô thì phải xem xét các chính sách tài khoá và các gói hỗ trợ. Đặc biệt, phải bình ổn kinh tế vĩ mô và phát triển, nếu tăng trưởng thấp thì không đạt được mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu về kinh tế, tài khoá thì sẽ đưa ra các gói hỗ trợ mục tiêu cụ thể mà chúng ta đã có trong chiến lược phát triển tại Đại hội Đảng XIII.

Quy hoạch tổng thể sẽ định hướng phát triển đến năm 2030, qua đó chúng ta sẽ có bức tranh tổng thể rõ nét hơn. Nhưng về cơ bản, ngay cả quy hoạch tổng thể chưa ra đời thì chúng ta vẫn có thể dựa vào định hướng của Đại hội XIII cũng như kế hoạch phát triển từng năm.

Đó là các cột mốc để chúng ta đi. Chiến lược đã có, bây giờ chỉ phân bổ kế hoạch từng năm. Do đó, tôi đề nghị cần quản lý theo “ma trận” thì sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

- Cụ thể, đâu sẽ là vấn đề nổi bật cần lưu tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2030? Các vấn đề này nên được giải quyết ra sao?

Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ đạt mốc thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ là nước thu nhập cao. Để đạt được các chỉ tiêu cao liên tục trong nhiều năm, cần chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để không tốn chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên...

Cùng với đó, điểm nghẽn hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh cũng là một trong những vấn đề sớm được giải quyết vì các điểm nghẽn đó đã, đang và sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Trong vấn đề này, tôi cũng muốn nhấn mạnh tới hạ tầng cấp thoát nước. Đồng thời, cần có cơ chế tốt hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải, cần giao thêm trách nhiệm xử lý nước thải cho các địa phương cho đến khi có Luật về xử lý, thoát nước được ban hành.

Cùng với đó, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng về giao thông tại phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

- Vậy, để tạo nền tảng cho cả quá trình 2022-2023, theo ông trước mắt đâu sẽ là những giải pháp hữu hiệu để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội?

Việc phục hồi và phát triển kinh tế vĩ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tài khóa, tiền tệ, trọng cung... Trong đó, “trọng cung” là dùng năng lực sản xuất của nền kinh tế sẽ ít tốn kém nhất, không phải điều chỉnh nhiều về các chính sách khác như tiền tệ, tài khóa...

Cùng với đó, theo tôi, việc phục hồi và phát triển kinh tế còn phục thuộc vào năng suất lao động ở trong nước. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Nếu năng suất lao động mà tăng được thì GDP cũng sẽ tăng nhiều mà không ảnh hưởng nhiều đến vốn đầu tư. Do đó, thời gian tới vấn đề nâng cao năng suất lao động, cải thiện kỹ năng nghề cho người lao động là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Tin mới lên