Tài chính

ĐHCĐ VEAM: Đặt mục tiêu lợi nhuận 'đi lùi', dự chi hơn 6.600 tỷ đồng chia cổ tức với tỷ lệ 49,9%

(VNF) - Năm 2021, VEAM đặt kế hoạch kinh doanh công ty mẹ khá thận trọng, với doanh thu tài chính giảm 21% còn 6.290 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 20% xuống 5.930 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu thuần kỳ vọng tăng gấp rưỡi lên mức 1.116 tỷ đồng.

ĐHCĐ VEAM: Đặt mục tiêu lợi nhuận 'đi lùi', dự chi hơn 6.600 tỷ đồng chia cổ tức với tỷ lệ 49,9%

ĐHCĐ VEAM: Đặt mục tiêu lợi nhuận 'đi lùi', dự chi hơn 6.600 tỷ đồng chia cổ tức với tỷ lệ 49,9%

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Tại phiên họp, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 công ty mẹ với doanh thu thuần ở mức 1.116 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với thực hiện năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ sản xuất công nghiệp kỳ vọng đóng góp 573 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động thương mại và dịch vụ đóng góp 533 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính mục tiêu giảm 21% còn 6.290 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu cũng khá thận trọng với 5.930 tỷ đồng, thấp hơn gần 20% so với thực đạt năm 2020. Doanh nghiệp chưa công bố kế hoạch chia cổ tức năm nay.

Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2020, doanh thu hợp nhất của VEAM đạt 3.667 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước đó. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 967 tỷ đồng. Còn nguồn thu từ hoạt động đầu tư vào công ty liên kết đạt 5.123 tỷ đồng (giảm 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.594 tỷ đồng, giảm 23% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.

VEAM cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2020 là do tác động của dịch bệnh Covid-19. Toàn hệ thống VEAM có 13 công ty con, thì có 7 đơn vị báo lỗ và 6 đơn vị có lãi. Trong 7 đơn vị liên kết có 2 đơn vị lỗ và 5 đơn vị có lãi.

Nhiều năm qua, khoản thu nhập tài chính là nguồn thu, lợi nhuận chính của VEAM. Trong đó, VEAM là doanh nghiệp nhà nước với phần lớn lợi nhuận đến từ các công ty liên kết dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe máy và ôtô tại Việt Nam (bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam).

Với kết quả đạt được, VEAM thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 trong đó dành khoảng 6.630 tỷ đồng chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông. Tỷ lệ chi trả 49,9%. Dự kiến thời gian chi trả trong quý III/2021.

Kết thúc quý I/2021, báo cáo tài chính riêng của VEAM cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 134 tỷ đồng, báo lãi sau thuế 129 tỷ đồng, lần lượt tăng 49% và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn ảnh hưởng đến kết quả này là do doanh thu tài chính trong kỳ giảm 20%, tương đương 42 tỷ đồng xuống còn 176 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh công ty mẹ vừa được thông qua, VEAM mới hoàn thành 12% chỉ tiêu doanh thu thuần, 2,8% chỉ tiêu doanh thu tài chính và 2,1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Liên quan đến kế hoạch niêm yết chuyển lên sàn HNX, đại diện VEAM cho biết, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình giải quyết những "rào cản", vấn đề tồn đọng từ nhiều năm trước đối với kế hoạch. Dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.

Được biết, từ năm 2019, VEAM đã trình phương án niêm yết chuyển lên sàn HNX. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch vẫn bị hoãn do không đảm bảo điều kiện "không có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề liên tiếp".

Đây là vấn đề được cổ đông đặc biệt quan tâm, vì chuyển sàn thành công sẽ giúp củng cố khả năng quản trị doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và thu hút thêm nhà đầu tư và tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu VEA.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 30/6, cổ phiếu VEA tăng 1.300 đồng lên 48.300 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 292.000 đơn vị.

Tin mới lên