Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Sáng 26/4, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Tại đại hội, câu hỏi nhiều nhất mà các cổ đông đặt ra cho ban lãnh đạo Vinamilk là vì sao kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2021 thấp, chỉ tăng 4,1%; trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận thậm chí còn đi ngang, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho hay một trong những nguyên nhân quan trọng nằm ở giá nguyên vật liệu.
Theo bà Liên, mặc dù quý I/2021, giá nguyên liệu ngành sữa tăng không cao nhưng bắt đầu từ quý II tăng rất cao. Người đứng đầu ban điều hành Vinamilk kỳ vọng giá nguyên liệu sẽ giảm vào quý IV/2021.
Bên cạnh đó, sức tiêu thụ sữa cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi sự bùng phát của dịch Covid-19.
"Nền kinh tế năm 2020 đã phần nào hồi phục nhưng sang năm 2021 thì tất cả chỉ là dự đoán. Tháng 1/2021, doanh số tiêu thụ sữa của Vinamilk hồi phục rất tốt nhưng sang tháng 2 lại chứng kiến đợt dịch mới khiến sức mua giảm mạnh đến mức không ngờ tới. Chúng tôi hy vọng sẽ không có đợt dịch nào nữa nhưng điều này cũng không chắc chắn nên Vinamilk phải có phương án cụ thể tùy tình hình. Nghiên cứu cho thấy quý I/2021, mức tiêu thụ sữa của Việt Nam vẫn giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020", Tổng giám đốc Vinamilk cho biết.
Bà Liên cho hay tùy tình hình, Vinamilk sẽ cân nhắc việc tăng giá bán sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sức mua.
"Không ai muốn tăng trưởng thấp. Nếu sức mua vẫn thấp thì doanh số không thể hy vọng tăng trưởng cao. Mong cổ đông thông cảm với kế hoạch kinh doanh trình đại hội. Ban lãnh đạo Vinamilk sẽ cố gắng hết sức để tăng trưởng cao hơn kế hoạch", Tổng giám đốc Mai Kiều Liên bày tỏ.
Bà Liên thông tin rằng quý I/2021, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt 2.597 tỷ đồng, hoàn thành 23,17% kế hoạch cả năm. "Vinamilk sẽ cố gắng bắt đầu từ tháng 4 sẽ bù lại phần chưa thực hiện được trong quý I", người đứng đầu ban điều hành Vinamilk cho hay.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài, "nữ tướng" Mai Kiều Liên cho biết mặc dù doanh số nội địa không tăng trưởng nhưng doanh số xuất khẩu lại tăng trưởng 8%.
"Đối với Angkor Milk, dịch mới bùng phát tại Campuchia trong khoảng 1, 2 tuần gần đây và ngày càng nghiêm trọng. Cán bộ nhân viên của Angkor Milk không đến được nhà máy. Chúng tôi đang xin phép Chính phủ Campuchia được vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, nếu không được thì tạm thời án binh bất động cho đến khi dịch được kiểm soát", bà Liên nói.
Đối với thị trường Mỹ, Tổng giám đốc Vinamilk kỳ vọng năm nay sẽ phục hồi kinh doanh, đặc biệt là ở California, trong bối cảnh Mỹ có thể hoàn tất trích ngừa cho toàn bộ người dân trong tháng 5/2021.
Về mảng thương mại điện tử, phía Vinamilk cho hay mặc dù công ty cũng chú trọng mảng này vài năm qua nhưng ban lãnh đạo chưa thấy thực sự tiềm năng. "Văn hóa của người Việt là văn hóa xe máy, có thể mua hàng ở bất cứ nơi nào, chẳng hạn như ở cửa hàng Giấc mơ sữa Việt. Chúng tôi vẫn sẽ chú trọng phát triển thương mại điện tử và tận dụng các cửa hàng Giấc mơ sữa Việt để giao hàng. Doanh số thương mại điện tử hiện chỉ vài chục tỷ nhưng đang tăng trưởng nhanh", bà Liên thông tin.
Vinamilk hiện đã nâng số lượng cửa hàng Giấc mơ sữa Việt lên con số 500 từ mức 465 cửa hàng cuối năm ngoái và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
"Cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đang tăng trưởng rất tốt, mặc dù kênh phân phối truyền thống và kênh siêu thị không được như kỳ vọng. Số lượng cũng như doanh số mỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đang tăng. Đây cũng sẽ là một trong những hướng phát triển của Vinamilk trong 3-5 năm tới", Tổng giám đốc Vinamilk thông tin.
Về hoạt động đầu tư, trong 5 năm tới, Vinamilk sẽ không đầu tư đáng kể vào năng lực sản xuất bởi với dự án đầu tư hiện tại, công suất sản xuất đã tăng 60-80%, đủ đáp ứng nhu cầu đến năm 2025. Thay vào đó, Vinamilk sẽ tập trung vào hoạt động M&A, có thể kinh doanh ngành mới.
Tuy vậy, hiện tại Vinamilk đang không xem xét dự án M&A nào và luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong và ngoài nước.
Về nhân sự kế thừa, bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh Vinamilk vẫn tiếp tục thực hiện tiến trình kế thừa từ cấp Tổng giám đốc trở xuống. "Có những người chúng ta đào tạo nhưng không đáp ứng thì lại phải kiếm người khác. Nhân sự luôn là vấn đề khó nhất trong tất cả các vấn đề khó. Người lớn cũng sẽ nghỉ, người trẻ cũng sẽ lên nhưng đó là cả một quá trình", bà Liên nêu quan điểm.
Liên quan đến việc giá cổ phiếu VNM của Vinamilk liên tục giảm kể từ đầu năm bất chấp thị trường chung tăng mạnh, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính của Vinamilk cho biết diễn biến này do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn nội tại. Tuy nhiên ông Liêm cho hay nhiều tổ chức tài chính và công ty chứng khoán đang có khuyến nghị tích cực về cố phiếu của Vinamilk, như HSBC khuyến nghị 140.000 đồng/cổ phiếu, PHS khuyến nghị 128.000 đồng/cổ phiếu, VCBS khuyến nghị 112.000 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình cổ đông của Vinamilk đã được thông qua.
* * *
Trước đó, theo tài liệu đại hội, năm 2021, Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu 62.160 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 13.690 tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch đạt 11.240 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020.
Bên cạnh đó, Vinamilk trình cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2020 tổng cộng 4.100 đồng/cổ phiếu, trong đó đã tạm ứng đợt 1 và đợt 2 lần lượt 2.000 đồng/cổ phiếu và 1.000 đồng/cổ phiếu; mức cổ tức 1.100 đồng/cổ phiếu còn lại sẽ được chi trả vào tháng 6/2021.
Về cổ tức năm 2021, Vinamilk trình cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 với mức 1.500 đồng/cổ phiếu dự kiến thanh toán vào tháng 9/2021, tạm ứng cổ tức đợt 2 vào tháng 2/2022 với mức 1.400 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ tức còn lại sẽ được đề xuất vào đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Đại hội lần này dự kiến thông qua việc từ nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Bá Dương và bà Nguyễn Thị Thắm, đều vì lý do cá nhân. Hai ứng viên thay thế là bà Tiêu Yến Trinh và ông Hoàng Ngọc Thạch.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.