Di dời nhà ven kênh rạch: Mục tiêu 20.000 căn, thực tế chuyển được 2.500 căn
Trần Lê -
11/03/2023 22:47 (GMT+7)
(VNF) - Sở Xây dựng TP. HCM vừa có báo cáo sơ kết Chương trình nhà ở giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030.
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, qua 5 năm, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch còn chậm tiến độ, chỉ di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4% so với chỉ tiêu, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, trong khi chưa kêu gọi được dự án án vốn ngoài ngân sách.
Năm 2021, UBND TP. HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách, dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỉ đồng, gồm 3 dự án thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.
Cụ thể, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh; dự án cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình và 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, nay chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Việc chậm triển khai do nguồn vốn ngân sách của thành phố hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các tuyến rạch không thực hiện được mở rộng hơn so với biên chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư nên phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Do đó, trong số 59 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch bằng nguồn vốn ngân sách, chỉ bố trí vốn đầu tư công cho 32 dự án. Bên cạnh đó, trình tự thực hiện các thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách là phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn.
Công tác chuẩn bị đầu tư theo Luật Đầu tư công; công tác chuẩn bị bồi thường theo Luật Đất đai đa số các dự án (42/59 dự án) dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư, chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để triển khai thực hiện công tác tiếp theo để chi trả bồi thường.
Về nhà ở, đáng chú là nhà ở tự xây tăng mạnh. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích sàn nhà ở TP. HCM tăng thêm 53,7 triệu m2. Trong đó, nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn, vượt 23,3% so với chỉ tiêu đề ra. Nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn. Nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.
Tuy nhiên, về xu hướng phát triển, hiện nay diện tích nhà ở dân tự xây có xu hướng giảm dần (năm 2016 tăng 8,8 triệu m2 sàn, năm 2020 tăng 6,9 triệu m2 sàn). Diện tích nhà ở dân tự xây khu vực nội thành chiếm tỷ trọng lớn nhất, các huyện ngoại thành và khu vực trung tâm hiện hữu chiếm tỷ trọng thấp nhất.
Năm 2021, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây ở TP. HCM tăng thêm 3,37 triệu m2 sàn. 9 tháng đầu năm 2022, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây tăng thêm 4,6 triệu m2 sàn. Dự kiến, trong thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây tăng thêm 24 triệu m2 sàn.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP. HCM giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TP. HCM phê duyệt, từ nay đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở thương mại tăng thêm 12,57 triệu m2 sàn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone