Thị trường

Điểm danh 5 dự án thu hút FDI lớn nhất trong năm 2021

(VNF) - Nhà máy điện LNG Long An I và II do nhà đầu tư Singapore đầu tư là dự án có vốn đăng ký lớn nhất trong năm 2021 lên tới 3,13 tỷ USD.

Điểm danh 5 dự án thu hút FDI lớn nhất trong năm 2021

Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Tính đến ngày 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, dự án nhà máy điện LNG Long An I và II, dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II và dự án LG Display Hải Phòng là 3 dự án có vốn đăng ký hoặc điều chỉnh tăng vốn lớn nhất trong năm 2021.

Dự án nhà máy điện LNG Long An I và II

Ngày 21/3, UBND tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy điện LNG Long An I và II cho Công ty VINACAPITAL GS ENERGY PTE. LTD thực hiện đầu tư tại khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á thuộc dự án cảng quốc tế Long An.

Dự án có diện tích khoảng 90ha, nằm trong khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) rộng 239ha thuộc dự̣ án cảng quốc tế Long An. Vốn đầu tư Nhà máy ước tính 3 tỷ USD, dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 12/2025.

Dự án có công suất dự kiến 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW, do công ty VINACAPITAL GS ENERGY PTE. LTD. là chủ đầu tư.

Với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An, việc đầu tư dự án chính là bước ngoặt quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án LG Display Hải Phòng

Trong năm 2021, dự án LG Display Hải Phòng được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD. Trong đó điều chỉnh tăng 750 triệu USD ngày 4/2 và thêm 1,4 tỷ USD ngày 30/8.

Được biết, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2016 với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED TV, màn hình LCD.

Trong 5 năm, LGD liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Tính đến nay, dự án LG Display Hải Phòng đã có 7 lần điều chỉnh, với 4 lần tăng vốn.

Với việc tăng thêm vốn đầu tư trong năm 2021, LGD đã nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II

Ngày 8/2, UBND thành phố Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II cho nhà đầu tư là liên danh Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietrancimex) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).

Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có vị trí tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ). Dự án có công suất thiết kế 1.050MW.

Tổng mức đầu tư của dự án là 30.560 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,31 tỷ USD, trong đó 20% là vốn chủ sở hữu (tương đương 6.112 tỷ đồng) và 80% vốn vay thương mại (tương đương 24.448 tỷ đồng).

Chủ đầu tư của dự án là liên doanh các nhà đầu tư: Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietrancimex) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Trước đó,dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cuối năm 2020 và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22/1/2021.

Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2024 - 2025, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí - điện Lô B.

Việc xây dựng nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia; góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina

Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Giấy Kraft Vina ngày 23/7. Dự án có tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD.

Với công suất 800.000 tấn/năm, mục tiêu của dự án là sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc.

Được biết, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina vào tháng 1/2007 và bắt đầu hoạt động thương mại vào quý II/2009. Đây là liên doanh giữa công ty TNHH Siam Kraft Industry thuộc SCGP góp 70% vốn và công ty TNHH Rengo Nhật Bản góp 30%.

Trước đó, công ty này đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất giấy và bao bì với tổng công suất 500.000 tấn mỗi năm tại tỉnh Bình Dương.

Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam

Ngày 21/5, Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh tăng thêm 610 triệu USD để mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton tại khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng.

Được biết, vốn đầu tư ban đầu nhà máy tại Việt Nam của Tập đoàn Far Eastern là 274 triệu USD. Sau hai lần điều chỉnh tăng vốn, đến nay Tập đoàn Far Eastern đã nâng tổng vốn đầu tư vào khu sản xuất của mình ở tỉnh Bình Dương lên đến 1,37 tỷ USD.

Đây là một trong những dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may có quy mô lớn của Tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam sau khi doanh nghiệp này phát triển ở thị trường Trung Quốc và Đài Loan.

Tin mới lên