Điện Kremlin bình luận về ‘thẻ điệp viên Stasi’ của ông Putin tại Đức

Chu La - 12/12/2018 16:57 (GMT+7)

(VNF) - Ngay sau khi tờ Bild của Đức đăng tải hình ảnh tấm thẻ định danh có tên Vladimir Putin được tìm thấy trong kho hồ sơ của Bộ An ninh nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Stasi) ở thành phố Dresden, Điện Kremlin đã có một vài phản hồi về thông tin này.

VNF
Thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin được tìm thấy ở Đức.

Theo Reuters, tấm thẻ được tìm thấy bởi nhà sử học người Mỹ Douglas Selvage, được đăng tải trên tờ Bild ngày 11/12.

Tờ báo Đức cho rằng tấm thẻ này được phát hành cho Thiếu tá Vladimir Putin vào ngày 31/12/1985 và có hiệu lực đến cuối năm 1989.

Theo Bild, đây là bằng chứng xác nhận Tổng thống Nga Putin từng làm việc cho Stasi trong thời gian làm sĩ quan tình báo của Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) tại Dresden (1985-1990).

Đưa ra bình luận về tấm thẻ này, Tướng về hưu của Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) Alexander Mikhailov cho rằng tấm thẻ có thể chỉ là một loại giấy tờ “thông hành” giúp ông Putin dễ dàng ra vào tòa nhà của Stasi ở Dresden, nơi các sĩ quan tình báo Liên Xô có thể lưu trữ các hồ sơ quan trọng.

Trên tấm thẻ có chữ ký và quãng thời gian ông Putin hoạt động tại Dresde.

Cơ quan quản lý kho lưu trữ của Stasi cũng cho biết việc các đặc vụ KGB làm nhiệm vụ tại Đông Đức có thẻ căn cước để ra vào văn phòng của Stasi là điều thường thấy.

Theo cơ quan này, tấm thẻ có thể chỉ đơn thuần cho phép các đặc vụ KGB tiếp cận các văn phòng của Stasi.

“Điều này cũng đúng với ông Vladimir Putin, người khi đó làm việc tại văn phòng KGB tại Dresden. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy ông làm việc cho Stasi”, một đại diện của Cơ quan quản lý kho lưu trữ của Stasi nhận định.

Điện Kremlin không xác nhận cũng không phủ nhận các thông tin của Bild, song phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov  cho rằng "KGB và Stasi là các cơ quan tình báo đối tác nên không loại trừ việc trao đổi những chiếc thẻ như vậy".

Theo ông Peskov, không nên đưa ra bất cứ kết luận nào về việc này, nghi vấn về việc ông Putin có thẻ điệp viên Stasi hay không nên được gửi tới Cơ quan An ninh Liên bang Nga.

Ông Putin đã làm việc tại văn phòng KGB tại Dresden từ năm 1985 đến tháng 12/1989, khi Đông Đức sụp đổ.

Sau khi trở về Nga, ông Putin vươn lên vị trí người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB - kế thừa của KGB) và trở thành tổng thống vào năm 2000.

Xem thêm >> Trung Quốc chính thức có động thái ‘xuống thang căng thẳng’ với Mỹ

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác