Diện mạo huyện Gia Lâm trước thời điểm lên quận

Anh Hùng - 05/10/2023 10:46 (GMT+7)

(VNF) - Vừa qua, huyện Gia Lâm đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận.

Gia Lâm sẽ thành lập quận trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm. Trong ảnh là Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND và Trung tâm hành chính của huyện Gia Lâm nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ.
Việc thành lập quận Gia Lâm được nhận định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian qua, cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm được xây dựng theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ, gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị...
Nhà thi đấu Gia Lâm nằm trên trục đường Quốc lộ 5. Công trình được hoàn thành vào năm 2022 và cũng là một trong những địa điểm tổ chức thi đấu trong khuôn khổ sự kiện thể thao quốc tế SEA Games 31.
Toàn cảnh trung tâm thị trấn Trâu Quỳ. Theo tìm hiểu, giá đất trung bình tại Gia Lâm (Hà Nội) hiện đang ở mức cao hơn rất nhiều so với các huyện khác sắp lên quận. Trong đó, giá đất thuộc khu vực Trâu Quỳ có thể lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, dao động ở mức trung bình từ 80-90 triệu đồng/m2.
Xã Bát Tràng nằm trên tuyến điểm du lịch sông Hồng của Hà Nội như: Chùa Bồ Đề, Làng nghề Bát Tràng,... Đến Bát Tràng du khách có thể tìm hiểu về nghề làm gốm ở đây, dạo thăm các ngõ ở làng nghề, chợ gốm, nhà gốm, các di tích ở xã Bát Tràng, tìm hiểu văn hóa,... Sau khi Gia Lâm lên quận, xã Bát Tràng và xã Đông Dư sẽ nhập lại thành phường Bát Tràng.
Chợ gốm Bát Tràng là một trong những điểm đến nổi tiếng tại Hà Nội với nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Nơi đây không chỉ mang lại giá trị văn hóa và nghệ thuật cho Việt Nam mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Gia Lâm với lợi thế là huyện cửa ngõ phía đông của thủ đô có nhiều tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Từ đó, đưa Gia Lâm trở thành đô thị trung tâm mới, hứa hẹn sự phát triển vượt bậc. 
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bộ mặt đô thị của huyện Gia Lâm đang dần hình thành theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, góp phần giúp huyện đạt các tiêu chí, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng để trở thành quận giai đoạn 2021-2025.
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên địa bàn huyện. Điều này giúp tăng đáng kể dân số của huyện cũng như tỷ lệ dân thành thị. Điển hình như khu đô thị Vinhomes Ocean Park với tổng diện tích lên tới 420ha.
Khu đô thị Đặng Xá có tổng diện tích khoảng 69,6ha. Đây là khu đô thị đầu tiên trên địa bàn huyện Gia Lâm phát triển dọc theo Quốc lộ 5.
Hiện nay, huyện Gia Lâm có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích 145,5ha, gồm: Cụm công nghiệp Phú Thị (nằm trên địa bàn các xã: Phú Thị, Dương Xá); cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ); cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng); cụm công nghiệp Ninh Hiệp và cụm công nghiệp thực phẩm Hapro (xã Ninh Hiệp).
Cụm công nghiệp Ninh Hiệp có địa điểm xây dựng tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm với quy mô 63,6ha.

Ga Yên Viên tại thị trấn Yên Viên của huyện Gia Lâm. Đây là nơi dừng chân của đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quán Triều, Hà Nội - Đồng Đăng và đây là nơi xuất phát của đường sắt Yên Viên - Cái Lân.

Huyện Gia Lâm có sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu Bây, sông Bắc Hưng Hải chảy qua. Trong đó, sông Hồng (làm ranh giới tiếp giáp với quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì), sông Đuống chảy giữa huyện và một phần làm ranh giới giữa cụm Bắc Đuống với quận Long Biên. Đây là lợi thế lớn cho Gia Lâm trong việc phát triển đường thuỷ.
Gia Lâm hiện có tới 68 di tích được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ văn hóa thể thao và du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia và cả trăm di tích đã được thành phố xếp hạng. Tiêu biểu như Đền Gióng (đền Phù Đổng) xã Phù Đổng được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Gia Lâm được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, địa bàn quân sự chiến lược ở phía đông của Thủ đô Hà Nội.
Cùng chuyên mục
Tin khác