Đoàn tàu tuyến metro số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội: 80% người dân đánh giá thiết kế 'đẹp, hài hòa'?
Lê Ngà -
28/09/2018 09:44 (GMT+7)
(VNF) - Hơn 80% người dân đánh giá thiết kế đoàn tàu của tuyến metro số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội đẹp, hài hoà và phù hợp với cảnh quan đô thị Hà Nội, theo khảo sát của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.
Theo đó, cuộc khảo sát được diễn ra cả trên các kênh trực tuyến và khảo sát trực tiếp. Cụ thể, hơn 1000 người được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát trực tiếp để đóng góp các ý kiến đánh giá về thiết kế nội thất và ngoại thất của đoàn tàu metro số 3. Đối tượng khảo sát là những người hiện đang sống và làm việc gần 8 ga trên cao thuộc tuyến metro số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội bao gồm từ học sinh, sinh viên, công chức cho đến người cao tuổi (độ tuổi từ 18 đến 60), phân bố đều theo giới tính.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, trên 80% người được hỏi đánh giá đoàn tàu có thiết kế đẹp, hài hoà và hơn 90% cho biết sẵn sàng sử dụng khi tàu metro đi vào vận hành chính thức.
Ngoài ra, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã tiến hành khảo sát ý kiến cộng đồng trên các trang báo mạng điện tử và mạng xã hội.
Sơ đồ tuyến metro số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, dự kiến đoàn tàu tuyến metro số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn đi trên cao dài 8 km vào đầu năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy) và 4,5 km đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Tư vấn lập dự án là Công ty tư vấn Systra (Cộng hoà Pháp). Mục tiêu đầu tư là nhằm xây dựng tuyến đường sắt đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đường sắt đô thị chạy trên tuyến dành riêng với tổng chiều dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Thủ Lệ và đoạn ngầm dài 4km từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội. Đường sắt đôi, khổ 1,435m, có tổng cộng 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm).
Vận tốc thương mại của tàu là 33,8km/h. Khu depot và trung tâm bảo dưỡng đặt tại xã Tây Tựu và Minh Khai. Tuyến có các ga Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (điểm cuối trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Dự án có tổng mức đầu tư tương đương hơn 20.408 tỷ đồng. Nguồn vốn gồm: Vốn vay ODA của Cộng hoà Pháp 360 triệu euro (trong đó, vay ưu đãi của Chính phủ Pháp 250 triệu euro), vay của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) 110 triệu euro; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) 293 triệu euro; Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) 73 triệu euro và ngân sách của Việt Nam là 130 triệu USD.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.