Thị trường

Doanh nghiệp TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chấn chỉnh đội ngũ công chức 'vẽ rắn thành rồng'

(VNF) - Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. HCM (HBA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư tại TP. HCM.

Doanh nghiệp TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chấn chỉnh đội ngũ công chức 'vẽ rắn thành rồng'

Khu chế xuất Tân Thuận tại TP. HCM (ảnh minh họa)

Tại văn bản, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, cho biết tình hình đầu tư tại TP. HCM có nhiều vấn đề cần kiên quyết cải thiện.

Lý do mà ông Bé đưa ra là dù đang là điểm đến tốp đầu trong kinh tế toàn cầu và Đông Nam Á nhưng TP. HCM đang sút giảm chỉ số cạnh tranh về môi trường đầu tư với các tỉnh, thành phố khác trong nước.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Khu chế xuất-Khu công nghiệp tại TP. HCM cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp trong đầu tư là do cơ chế Nhà nước và cả con người thực thi.

Về cơ chế, đơn cử là Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Phòng cháy chữa cháy có quy định sơn nhà xưởng, cột kèo bằng "sơn chống cháy" làm chi phí tăng 50%.

Hay như Nghị định 18/2015/NĐCP quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép về Tác động Môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường cho các tỉnh, thành và xuống tận Ban Quản lý Khu công nghiệp, nhất là các Ban Quản lý có đầy đủ năng lực đã tạo ra 2 lớp giấy phép khi thực hiện. Phải có "giấy phép con" của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường thì Ban Quản lý mới cấp được sau thẩm định.

Ví dụ, công ty Sunshine Tech – Chi nhánh TP. HCM đổi tên là Công ty Unicloud – Chi nhánh TP. HCM đã làm thủ tục 2 năm, đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép tác động môi trường. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác từ lúc nộp hồ sơ đến nay đã 2 năm nhưng chưa được cấp phép.

Một bất cập khác được HBA đề cập là hệ số sử dụng đất trong công nghiệp quy định tại Khu công nghiệp V.Sip, Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) là 70% nhưng tại Khu công nghệ cao hiện nay chỉ 50%. Doanh nghiệp làm các mái che xe công nhân, ki-ốt, nhà vệ sinh đều buộc phải tính vào 50% diện tích xây dựng...

HBA nêu thực trạng, qua phản ánh của doanh nhân, doanh nghiệp có hiện tượng sợ trách nhiệm khi công chức thực thi nhiệm vụ, kể cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, còn có hiện tượng "vẽ rắn thành rồng", quy định của Nhà nước được thêm thắt cho chặt chẽ đến mức thành "nút thắt".

Hiệp hội này nêu dẫn chứng cũng là nội dung "Điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000", Khu chế xuất Linh Trung 3 tại Tây Ninh được giải quyết trong 2 tháng là có giấy phép. Nhưng cũng nội dung này tại Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 tại TP. HCM thì hơn 2 năm vẫn chưa có giấy phép.

Ngoài ra, HBA cho rằng Ban Quản lý và Phòng Xây dựng Khu công nghệ cao đã ban hành nhiều chi tiết ngặt nghèo trong triển khai cụ thể dự án của doanh nghiệp đến mức ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và bảo mật ngành nghề của doanh nghiệp.

Tin mới lên