Tài chính quốc tế

Doanh thu xuất khẩu của Nga tăng cao kỷ lục trong 100 ngày chiến sự tại Ukraine

(VNF) - Nga đã thu về 93 tỷ euro (98 tỷ USD) từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó phần lớn là từ Liên minh châu Âu (EU), theo một báo cáo được công bố hôm nay (13/6).

Doanh thu xuất khẩu của Nga tăng cao kỷ lục trong 100 ngày chiến sự tại Ukraine

Doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đến nhiều nhất từ xuất khẩu dầu thô.

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, ngay cả khi các quốc gia và công ty phương Tây hạn chế tối đa việc gián tiếp “cung cấp ngân sách” cho Nga để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sự gia tăng của giá nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu vẫn tiếp tục lấp đầy kho bạc của Nga, với doanh thu xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục. Theo CREA, giá xuất khẩu trung bình của Nga cao hơn năm ngoái khoảng 60%.

Báo cáo được CREA đưa ra khi Ukraine kêu gọi phương Tây cắt đứt mọi hoạt động thương mại với Nga với hy vọng cắt đứt huyết mạch tài chính của Điện Kremlin.

EU vừa công bố gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, bao gồm cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng từ sáu tháng đối với dầu thô và tám tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

Khối này cam kết giảm 90% sự phụ thuộc vào dầu Nga vào cuối năm nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào về khí đốt.

Theo báo cáo của CREA, doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đến nhiều nhất từ xuất khẩu dầu thô (46 tỷ), tiếp theo là khí đốt, các sản phẩm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá. Trong đó, các nhà nhập khẩu hàng đầu của Nga là Trung Quốc với 12,6 tỷ euro, Đức (12,1 tỷ euro) và Ý (7,8 tỷ euro).

Báo cáo cũng cho thấy EU chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong 100 ngày đầu tiên diễn ra chiến sự tại Ukraine, trị giá khoảng 57 tỷ euro (60 tỷ USD).

Một số quốc gia đã tăng cường mua hàng từ Moscow thời gian gần đây, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Pháp, báo cáo cho biết thêm.

Theo nhà phân tích Lauri Myllyvirta của CREA, cho tới nay, hiệu quả của các biện pháp cấm vận lên Nga là quá thấp, các nước phương Tây cần phải có các kế hoạch rõ ràng hơn để cắt đứt dòng tiền chảy vào Nga.

Mới đây, phát biểu tại cuộc gặp với các doanh nhân trẻ ngày 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng phương Tây sẽ không thể “cai nghiện” nguồn năng lượng Nga trong ít nhất một vài năm tới.

Xem thêm >> Giá Bitcoin lại lao dốc, thị trường tiền điện tử chìm trong sắc đỏ

Tin mới lên