Tài chính quốc tế

Đồng lira đạt mức thấp kỷ lục, giá dầu ảnh hưởng sau thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

(VNF) - Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, hàng loạt công trình chỉ còn là đống đổ nát, kéo theo đó là hệ luỵ của nền kinh tế quốc gia khi đồng lira chạm mức thấp nhất thời gian qua.

Đồng lira đạt mức thấp kỷ lục, giá dầu ảnh hưởng sau thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Đồng lira đạt mức thấp kỷ lục sau thảm hoạ động đất

Đêm 6/2, tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã xảy ra một trận động đất mạnh 7,8 richter, "quét sạch" nhiều cơ sở hạ tầng cũng như gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ước tính đến thời điểm ngày 7/2, số người thiệt mạng đã lên tới gần 5.000 người, số lượng người bị thương được tìm thấy ngày một tăng; hàng loạt chung cư, bệnh viện, nhà ở… bị phá hủy.

Hiện, các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc đang gấp rút triển khai cứu hộ cứu nạn tại hai quốc gia này, tuy nhiên thời tiết tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ở giữa mùa đông khắc nghiệt, tuyết rơi dày bao phủ nhiều khu vực khiến các hoạt động viện trợ quốc tế trở nên khó khăn hơn.

Ông Raed Ahmed, người đứng đầu Trung tâm Động đất Quốc gia Syria, đánh giá: “Đây có thể coi là trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử của trung tâm".

Thảm hoạ động đất san bằng nhiều công trình tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Reuters, sau trận động đất lớn hôm 6/2, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã chạm mức thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán của quốc gia này cũng đang trên đà sụt giảm.

Vốn là quốc gia gặp nhiều bất ổn về kinh tế - chính trị, có tỷ lệ lạm phát không ngừng gia tăng kể từ giữa năm 2021, đến nay, thảm hoạ thiên nhiên đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải vật lộn thêm với nhiều khó khăn hơn. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính sau trận động đất hôm thứ Hai, thiệt hại kinh tế có thể lên tới 1 tỷ USD.

Theo đó, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, 18,83 lira mới đổi được 1 USD. Trong khi đó, tại thời điểm này, USD, một trong những thước đo tiền tệ phổ biến trên thế giới, lại đang trên đà phục hồi khi tăng 0,7%, đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Chỉ số chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ, ISE National 100 đang đi xuống bởi nhiều nguyên nhân. Borsa Istanbul, Sở giao dịch chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra thông báo tạm thời ngừng giao dịch cổ phiếu của một số công ty trong vùng động đất. Các thị trường mới nổi phải chịu áp lực nặng nề với các loại tiền tệ, do sự tăng mạnh của USD.

Giá dầu kỳ hạn cũng bị ảnh hưởng khi tăng cao hơn vào ngày 6/2 bởi thông tin chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq đã ngừng vận chuyển dầu qua đường ống chạy từ các mỏ Kirkuk phía bắc Iraq đến Ceyhan, một trong những cảng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù trận động đất không làm ảnh hưởng tới các đường ống chính vận chuyển từ Iraq đến nước này. Cụ thể, giá dầu thế giới vào sáng 7/2 theo giờ Việt Nam ghi nhận tăng nhẹ: giá dầu thô WTI tăng 1,02 USD, lên mức 74,26 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 1,29 USD, lên mức 81,14 USD/thùng.

Đồng lira giảm, chỉ số chứng khoản đi xuống, giá dầu bị tác động, chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng bị kéo theo. Piotr Matys, nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại In Touch Capital Markets, cho biết: “Sự kiện bi thảm tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử quan trọng mà rất có thể sẽ được tổ chức vào tháng 5”.

Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị cũng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây với những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn đối với việc thực thi các lệnh trừng phạt Nga, gây áp lực lên các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do là bởi Washington đã từng cảnh cáo Ankara (tên thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ) trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine về việc có các hành vi thúc đẩy chiến sự giữa hai nước này, nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ lại không hề tỏ ra nhượng bộ.

Các chuyên gia cho rằng, thảm hoạ động đất sẽ tạo ra một khủng hoảng lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt đánh thẳng vào nền kinh tế, chính trị của quốc gia này trước những biến động ngoại hối mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt.

Tin mới lên