Dự án 500 triệu USD đình trệ, đất vàng mặt tiền 1,8 km bám sông Sài Gòn bỏ hoang

Ninh Dương - 29/10/2022 10:28 (GMT+7)

(VNF) - Dự án Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội được kỳ vọng tạo ra bộ mặt đô thị khang trang tại vị trí đắc địa bên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, vừa gây lãng phí đất đai vừa không giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông trong khu vực.

VNF
Vị trí đắc địa của dự án Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội

Năm 2016, UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông), có vốn góp lớn là Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé (Bến Nghé IDC), làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội. Khi đó, dự án có tổng mức đầu tư trên 11.000 tỉ đồng (tương đương hơn 500 triệu USD)

Dự án sở hữu vị trí đắc địa trải dài ven sông Sài Gòn, quận 4 và nằm trong Phân khu 5 phân-  Khu trung tâm theo Đồ án “Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 héc ta)”. Tổng diện tích mặt đất, mặt nước của khu đô thị này là 31.5ha với chiều dài bờ sông Sài Gòn khoảng 1.800m.

Quy mô dự án dự kiến: khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp gồm trung tâm thương mại dịch vụ - căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn), công trình công cộng… theo như phê duyệt tại Quyết định số 6331/QĐ-UBND ngày 30/11/2015 của UBND TP. HCM về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tiểu khu Cảng quận 4, Phường 12, 13 và 18, Quận 4. Mặt tiền của dự án sẽ chạy dài theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành.

Theo yêu cầu của TP, trường hợp thực hiện đầu tư mở rộng đường Nguyễn Tất Thành mà ranh lộ giới mở rộng tuyến này có ảnh hưởng đến phạm vi dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao phần diện tích thuộc ranh lộ giới đường Nguyễn Tất Thành mở rộng (nếu có) cho TP để đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy định.

Ngay sau đó, dự án đã nhanh chóng triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, tiến hành di dời một số doanh nghiệp trên khu đất và đền bù giải tỏa một số hộ dân, kỳ vọng sớm đưa dự án vào hoạt động tạo bộ mặt khang trang cho khu trung tâm thành phố.

Tuy nhiên một thời gian sau, khi chủ đầu tư có diễn biến thay đổi nội bộ các bên góp vốn, cũng như động thái xin thoái vốn rồi xin hủy thoái vốn của đơn vị có vốn góp… thì dự án bị đình trệ và “treo” cho đến nay.

Tại thực địa, VietnamFinace ghi nhận tại khu đất dự án vẫn ngổn ngang những công trình tháo dỡ dở dang. Nhiều khu đất, công trình hoang hóa, cây dại cao quá đầu người… 

Mặt khác, tuyến đường Nguyễn Tất Thành luôn quá tải, vào giờ cao điểm gây ùn tắc nghiêm trọng. Ghi nhận vào giờ cao điểm, phương tiện nhích từng chút một trên đường, đến hơn 30 phút mới di chuyển được hơn 1,5 km từ cầu Khánh Hội (nối quận 1 và quận 4) đến cầu Tân Thuận (nối quận 4 và quận 7).

Hiện nay, do cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4 chưa được đầu tư xây dựng để hỗ trợ giải tỏa áp lực trên đường Nguyễn Tất Thành nối quận 1 và quận 7. Người dân trong khu vực mong muốn TP nghiên cứu phương án sử dụng một phần diện tích trống của dự án để mở rộng tuyến này, giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến. Đồng thời sớm đưa quỹ đất công của dự án vào sử dụng, tránh gây lãng phí tài sản của nhà nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác