Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 mới thi công đã hư hỏng: Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai nói gì?

Minh Đức - 05/11/2021 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (KH&ĐT) Gia Lai đã họp báo thông tin về việc thi công và chất lượng công trình liên quan đến sự cố mặt đường hư hỏng tại gói thầu xây lắp số 1 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665.

VNF
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 mới thi công đã hư hỏng: Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai nói gì?

Tại cuộc họp, ông Trần Đình Triết, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở KH&ĐT), Phó giám đốc Ban Quản lý dự án, cho biết dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và được Sở KH&ĐT thành lập ban quản lý dự án.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài 6 năm (2017-2022), sử dụng nguồn vốn vay ODA do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư dự án là 508,3 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA 460 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 48,3 tỷ đồng).

Riêng về gói thầu GL-Cw-01 (đoạn Km0 đến Km40 tỉnh lộ 665) do liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Trung (Ninh Bình) và Công ty Cổ phần công trình 207 (Hà Nội) thi công xây dựng có giá trị trúng thầu là 173,465 tỷ đồng (thấp hơn 25 tỷ đồng so với giá dự toán).

Trong gói thầu này, nhà thầu Công ty Cổ phần công trình 207 thi công đoạn Km0 đến Km18+462 với giá trị hợp đồng gần 69,4 tỷ đồng. Nhà thầu Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Trung thi công đoạn Km18+462 đến Km40, giá trị hợp đồng hơn 104 tỷ đồng, thời gian thi công 22 tháng (từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2022). Nhà thầu giám sát thi công là liên danh Công ty Cổ phần xây dựng VNC (Hà Nội) - Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Quốc Khánh (Gia Lai).

Ông Triết cho biết đoạn đường từ Km0 đến Km2+828 tỉnh lộ 665 vừa thi công xong đã hỏng - như báo chí phản ánh thời gian qua, thuộc gói thầu do Công ty Cổ phần công trình 207 tổ chức thi công trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến 15/8.

Dự án cải tạo tỉnh lộ 665 hư hỏng nặng sau khi thi công

Liên quan việc bề mặt đường xuất hiện các mảng vá chằng chịt đoạn từ Km0 đến Km2+828, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết ngay sau khi báo chí đưa tin, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở báo cáo sự việc.

Để khách quan, đơn vị chủ đầu tư, giám sát, nhà thầu thi công đã mời một đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, kiểm định và cùng với nhà thầu tìm nguyên nhân gây ra sự cố.

"Kết quả kiểm tra mẫu bê tông cho thấy chất lượng bê tông đảm bảo yêu cầu. Mẻ bê tông này thi công trong phạm vi toàn gói thầu số 1. Nếu bê tông có vấn đề thì sẽ hư hỏng toàn bộ tuyến chứ không phải chỉ trong một phạm vi ngắn. Theo thiết kế, mô đun đàn hồi yêu cầu của kết cấu áo đường là 133 MPa nhưng kết quả kiểm tra là 186 MPa. Như vậy, chất lượng công trình đảm bảo”, ông Quế cho hay.

Trước vấn đề liệu có phải phương tiện vận chuyển thiết bị thi công các dự án điện gió trên địa bàn khi lưu thông qua đây đã tác động đến chất lượng đoạn tuyến, ông Nguyễn Hữu Quế cho rằng phương tiện vận chuyển thiết bị điện gió là các xe “siêu trường, siêu trọng” đã được tính toán, cân nhắc các thông số kỹ thuật đảm bảo theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, hạn chế tối đa tác động đến chất lượng cầu đường.

Tuy nhiên, có thể việc vận chuyển nguyên vật liệu thi công như đá, bê tông, sắt thép… phục vụ xây dựng tại các công trình này và một số công trình khác gần đó trong điều kiện đường vừa mới được thi công, lớp bê tông chưa đủ độ khô cứng, đã dẫn đến hiện tượng nứt bề mặt. Sau đó, thời tiết mưa dầm dề khiến nước mưa theo các vết nứt ngấm xuống, lâu dần xảy ra sự cố hư hỏng.

“Đây cũng là rủi ro chung đối với các tuyến đường vừa thi công, vừa khai thác”, ông Quế nói.

Cũng theo chia sẻ của giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hữu Quế, khi xảy ra sự cố, đơn vị thi công đã không kịp thời báo cáo chủ đầu tư và tư vấn giám sát để cùng phối hợp xử lý mà vội vã khắc phục bằng cách vá sửa bề mặt đường đã gây sự phản cảm nhất định cho người dân, vì đường còn chưa được nghiệm thu, bàn giao.

“Bước đầu, đơn vị thi công đề xuất thảm tăng cường thêm lớp bê tông dày khoảng 4cm. Tuy nhiên, sau khi xem xét, việc xử lý như vậy sẽ không đảm bảo tính bền vững lâu dài. Chủ đầu tư cho rằng cần phải xử lý cào bóc lớp bê tông cũ, thi công lớp mới. Với các vị trí nền đường đã bị tác động có thể phải bóc tiếp lớp nền, lu lèn và xử lý. Hiện tại thời tiết còn mưa, chưa thể khắc phục ngay mà phải đợi khô ráo mới đảm bảo thi công và xử lý hiệu quả”, ông Quế thông tin thêm.

Ông Quế cũng cho biết do công trình chưa nghiệm thu và bàn giao nên trước mắt nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, đây là rủi ro nên chủ đầu tư sẽ xem xét làm việc cùng các bên liên quan để đảm bảo thấu tình, đạt lý.

“Thời gian tới, Ban quản lý dự án sẽ kiểm tra thực tế và họp tại công trường với các đơn vị 2 lần/tháng để phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo dự án về đích đúng tiến độ, đạt yêu cầu chất lượng”, Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh.

Xem thêm: Toàn cảnh khu đất làm đường đua F1 bị yêu cầu trả lại

Cùng chuyên mục
Tin khác