Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Bộ Tài chính vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước rằng việc cho vay với các dự án hợp tác công-tư (PPP) trong thời gian tới cần tiếp tục theo cơ chế thương mại hiện hành.
Bộ Tài chính dẫn đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng đều quan tâm tới xem xét tiếp cận các dự án PPP nói chung và dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông nói riêng.
Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, việc cấp tín dụng với các dự án BT, BOT có mức rủi ro cao hơn so với các khoản tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh thông thường do dự án BOT có thời gian thu hồi vốn dài.
Ngân hàng Nhà nước chỉ ra thêm, tại các dự án trên, giá trị đảm bảo chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay nên khó định giá.
"Trường hợp dự án không triển khai hoặc hoàn thành theo đúng tiến độ hay không phát huy hiệu quả kinh tế như dự kiến sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng", phía Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Vẫn theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian cho vay các dự án BOT thường kéo dài 15-20 năm trong khi nguồn huy động từ các ngân hàng thường có thời hạn ngắn nên việc tập trung cho vay các dự án BOT có thể gây mất cân đối kỳ hạn và tăng rủi ro thanh khoản với ngân hàng.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tới ngày 30/6/2017, tổng mức cam kết tín dụng với các dự án PPP là hơn 177.000 tỷ đồng, tổng số dư cấp tín dụng là trên 97.000 tỷ đồng. "Điều này tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn vay và huy động nguồn vốn các dự án", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước rằng việc cho vay với các dự án PPP trong thời gian tới cần tiếp tục theo cơ chế thương mại hiện hành.
Các ngân hàng theo đó tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn các ngân hàng.
Trước đó, ngày 22/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với 83,1% phiếu thuận.
Theo Nghị quyết này, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 bao gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên-Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Dự kiến, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư 654 km, bao gồm các dự án thành phần vận hành độc lập với hình thức, quy mô đầu tư phù hợp.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.