Dự thu cả trăm nghìn tỷ đồng nếu hoàn tất thoái vốn tại Agribank, VNPT, MobiFone, Sabeco

Việt Anh - 07/06/2021 14:55 (GMT+7)

(VNF) - Tính toán từ số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy ngân sách nhà nước sẽ có thêm cả trăm nghìn tỷ đồng nếu hoàn tất thoái vốn tại Agribank, VNPT, MobiFone, Sabeco.

VNF
Dự thu cả trăm nghìn tỷ đồng nếu hoàn tất thoái vốn tại Agribank, VNPT, MobiFone, Sabeco

Mới hoàn thành 228/40.000 tỷ đồng kế hoạch nộp ngân sách nhà nước 

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2021.

Cơ quan này cho biết, kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.

Ngày 23/1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 580/CPVP-ĐMNM về việc gia hạn thời gian thực hiện quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm ban hành quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Bước sang năm 2021, lũy kế 5 tháng đầu, Cục Tài chính doanh nghiệp mới chỉ nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, 5 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.

Trong đó, có 3 doanh nghiệp thuộc quyết định 908/QĐ-TTg với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về hơn 84 tỷ đồng; còn lại là 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với giá trị hơn 234 tỷ đồng, thu về trên 2.080 tỷ đồng.

Về tình hình bàn giao vốn, cũng trong giai đoạn này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị ngành in và Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, sau 5 tháng đầu năm 2021, tổng số tiền thu từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ là 228 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền dự kiến từ quỹ nộp vào ngân sách nhà nước (từ cổ phần hóa, thoái vốn) năm 2021 là 40.000 tỷ đồng, theo quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Ngân sách dự thu cả trăm nghìn tỷ đồng nếu hoàn tất thoái vốn tại Agribank, VNPT, MobiFone, Sabeco

Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, để đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách nhà nước năm 2021, cần tập trung cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn.

Cụ thể, cần tập trung hoàn thành việc phát hành công khai lần đầu (IPO) một số doanh nghiệp lớn trong năm nay như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank (dự kiến thu 19.847 tỷ đồng nếu tỷ lệ sở hữu nhà nước giảm còn 65% vốn); Công ty mẹ Tập đoàn VNPT (dự kiến thu 30.759 tỷ đồng nếu nhà nước chỉ nắm giữ 51% vốn) và MobiFone (dự kiến thu 9.255 tỷ đồng nếu nhà nước giảm tỷ trọng xuống 51% vốn). Tổng cộng dự thu từ 3 doanh nghiệp này lên đến 59.861 tỷ đồng.

Đây là các doanh nghiệp theo quyết định số 26/QĐ-TTg thuộc giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa.

Cùng với đó, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước chỉ đạo SCIC tập trung thực hiện thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn FPT và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh trong năm 2021.

Theo mức giá tham chiếu ngày 12/4, dự kiến mức thu về tại Sabeco là khoảng 40.169 tỷ đồng, tại FPT khoảng 1.982 tỷ đồng và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh khoảng 776 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính 4 doanh nghiệp gồm Agribank, VNPT, MobiFone và Sabeco, nếu IPO và thoái vốn thành công, ngân sách có thể thu về cả trăm nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, nguồn thu thực tế còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của thị trường, gồm các yếu tố như nhu cầu của nhà đầu tư và tình hình thị trường tài chính, chứng khoán; trong một số trường hợp có thể không bán hết số cổ phần chào bán hoặc giá bán không đạt kỳ vọng.

Nhìn chung, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2021, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể.

Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước và thế giới đã từng bước phục hồi, thế nhưng việc triển khai bán cổ phần lần đầu của EVNGENCO2 vẫn không đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra. Theo đó, doanh nghiệp chỉ bán được tương đương 0,045% tổng số cổ phần dự kiến bán ra.

Mặt khác, vẫn còn một số doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa theo quy định, số lượng doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, qua đó ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc thu, nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn về quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

"Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa thể đạt được nhiều kết quả do trong tháng 5 dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nơi trong cả nước, nhiều biện pháp đã được áp dụng để ứng phó, trong đó nhiều địa phương đã phải cách ly xã hội, việc này ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn", báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác