Được cấp margin trở lại, cổ phiếu PLX sẽ thăng hoa?

Tân Mai - 02/03/2021 17:20 (GMT+7)

(VNF) - Giới quan sát cho rằng, ngoài việc được đưa trở lại danh sách đủ điều kiện cho vay kí quỹ, những tín hiệu lạc quan về kết quả kinh doanh, nguồn tiền dồi dào từ bán cổ phiếu quỹ, thanh lý một số khoản đầu tư sẽ là trợ lực cho giá cổ phiếu PLX trong năm 2021.

VNF
Được cấp margin trở lại, cổ phiếu PLX sẽ thăng hoa?

Một năm đầy khó khăn cho nhà phân phối xăng dầu

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa đưa cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Trước đó, hồi tháng 9/2020, cổ phiếu PLX đã bị "cắt margin" do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2020 là số âm. Tuy nhiên đến cuối năm, doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng thua lỗ này.

Cụ thể, kết thúc "năm Covid" đầu tiên, PLX ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 124.000 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ 2019 và báo lãi sau thuế 1.235 tỷ đồng, giảm hơn 73%.

Mặc dù lợi nhuận suy giảm khá mạnh, song kết quả này vẫn rất đáng khích lệ khi doanh nghiệp đã vá lấp thành công khoản lỗ hơn 1.800 tỷ đồng vào quý đầu tiên của năm.

Nhìn lại quý I/2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá dầu thế giới (WTI) bắt đầu trong xu hướng giảm mạnh và liên tục từ hơn 61 USD/thùng xuống còn 20,5 USD/thùng vào cuối giai đoạn, tương ứng mức giảm 66%. Đó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán của PLX và buộc doanh nghiệp phải tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý là 1.500 tỷ đồng.

Thêm vào đó, đại dịch không chỉ làm giảm sản lượng xăng dầu bán ra của toàn hệ thống, mà một số công ty con trong lĩnh vực vận tải, gas, hóa dầu... cũng sụt giảm rõ rệt theo tác động chung của cả nền kinh tế, đặc biệt khi Covid-19 có diễn bức phức tạp nhất vào tuần cuối quý.

Rất may mắn ở khoảng thời gian sau đó, nhờ giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng nhiên liệu từng bước được khôi phục, sản lượng bán ra của PLX đã được cải thiện rõ rệt. Doanh nghiệp dần thích nghi với "bình thường mới" và các khoản chi phí được kiểm soát tốt hơn, qua đó liên tục có lãi từ 700 - 1.000 tỷ đồng sau mỗi ba tháng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX rơi xuống mức đáy nhiều năm là 33.670 đồng/cổ phiếu vào trung tuần tháng 3/2020. Cho dù thời điểm này "bóng ma" Covid-19 đang bao phủ toàn bộ thị trường, thế nhưng việc PLX rớt thê thảm giống như một phản ứng đầy tự nhiên của sự thiếu niềm tin từ các cổ đông.

Nhờ những tín hiệu tích cực và lạc quan, đến cuối năm vừa qua, cổ phiếu PLX neo ở mức 54.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa cách đó 1 năm (52.150 đồng/cổ phiếu).

Cổ phiếu PLX có thăng hoa?

Ngoài việc được cấp margin trở lại, cổ phiếu PLX đang được kì vọng sẽ tăng cao hơn nữa nhờ những dự báo lạc quan trong năm 2021.

Nhóm chuyên gia của SSI Research nhận định, cuối năm vừa qua, PLX ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước, đặc biệt từ kênh bán lẻ Coco (trạm cây xăng sở hữu) khi doanh số cải thiện rất nhiều so với kênh bán buôn.

SSI Research cho biết, ở những tháng cuối năm 2020, sản lượng tiêu thụ trong nước của PLX về cơ bản đã bắt kịp sản lượng cùng kỳ, đạt mức 2,4 triệu m3/tấn. Đáng chú ý, mảng bán lẻ còn tăng 3,5% lên mức 1,5 triệu m3/tấn nhờ việc mở mới 86 cửa hàng Coco trong năm, tương đương 3,1% số cửa hàng vào cuối năm 2019.

Thêm vào đó, giá xăng dầu trong nước giai đoạn này cũng tăng gần 10%, qua đó giúp doanh nghiệp hưởng lợi không nhỏ từ lượng hàng tồn kho giá thấp. 

Dựa vào đà tăng này, PLX dù chưa phê duyệt kế hoạch kinh doanh chính thức cho năm 2021, tuy nhiên kế hoạch sơ bộ cho sản lượng tiêu thụ xăng dầu được đặt ở mức tăng tối thiểu 3%, trong đó kênh bán lẻ dự kiến tăng ít nhất 3,5 - 4% so với năm trước.

Từ đó, nhóm chuyên gia này dự đoán mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn sẽ nằm trong khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 150 - 180% so với cùng kỳ.

Khoản lãi này chưa bao gồm thu nhập đến từ hoạt động thoái vốn khỏi các công ty liên kết thuộc mảng kinh doanh không cốt lõi của PLX. Được biết trong năm 2021, nhà phân phối xăng dầu này dự kiến bán vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (UPCoM: PGB) - đơn vị PLX sở hữu hơn 120 triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn điều lệ.

Tương tự, PLX cũng có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) từ 40,95% xuống ít nhất 35,1%, bên cạnh đó là dự định bán bớt danh mục đầu tư không thiết yếu với tổng giá trị sổ sách khoảng 510 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là việc sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trong năm nay được cho là yếu tố trợ lực cho PLX. SSI Research cho rằng, theo dự thảo sửa đổi Nghị định 83, khoảng thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp có thể được điều chỉnh thành 10 ngày so với 15 ngày như hiện nay.

Điều này sẽ giúp các đại lý bán lẻ xăng dầu điều chỉnh giá sát hơn với diễn biến của thị trường và chi phí đầu vào. Ngoài ra, việc sửa đổi số ngày tồn kho bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày cũng sẽ tạo điều kiện cho các đại lý phân phối xăng dầu giảm dự trữ hàng tồn kho cũng như chi phí tài chính.

Mặt khác, giới hạn sở hữu nước ngoài tại các công ty kinh doanh xăng dầu cũng được đề xuất tăng lên 35%, điều này sẽ giúp PLX dễ tiếp cận hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài và từ đó giá cổ phiếu được hỗ trợ.

Nhiều khả năng, việc sửa đổi Nghị định 83 có thể được hoàn tất trong nửa đầu năm và có hiệu lực trong nửa cuối năm 2021.

PLX cũng có kế hoạch bán 75 triệu cổ phiếu quỹ còn lại trong năm nay và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Trong số đó, nhà đầu tư tiềm năng nhất phải kể đến tập đoàn ENEOS Corporation (Nhật Bản), cổ đông lớn thứ hai của PLX và cũng là doanh nghiệp đăng kí mua vào 25 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng số lượng PLX đăng kí bán hồi cuối tháng 2.

Tập đoàn năng lượng số một Nhật Bản này từng được Chủ tịch HĐQT PLX Bùi Ngọc Bảo khẳng định là cổ đông chiến lược duy nhất của PLX. Theo ông Bảo, mục tiêu mà ENEOS Corporation hướng tới là 20 - 25% tỷ lệ sở hữu tại PLX.

Từ những yếu tố nêu trên, SSI Research đưa ra nhận định khả quan đối với PLX với giá mục tiêu 1 năm là 67.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14,3% so với kết phiên ngày 2/3.

Có cùng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cũng đưa ra khuyến nghị mua vào đối với PLX với giá mục tiêu là 66.300 đồng/cổ phiếu tại báo cáo mới đây.

Cùng chuyên mục
Tin khác