Được đề xuất nguồn cung mới thay thế dầu Nga, Hungary từ chối
(VNF) - Hungary đã từ chối lời đề nghị của Croatia về việc sử dụng hệ thống đường ống của nước này làm giải pháp thay thế cho việc nhập khẩu dầu từ Nga, làm leo thang xung đột nhiều mặt với Liên minh châu Âu (EU).
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã gây sức ép buộc Hungary và Slovakia từ bỏ nguồn cung cấp dầu từ Nga, hơn hai năm sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ.
Hai nước này cùng với Cộng hòa Séc đã được miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trên toàn EU thông qua đường ống đi qua Ukraine vì họ có ít nguồn cung thay thế.
Bộ trưởng ngoại giao Hungary Peter Szijjártó mới đây đã yêu cầu Brussels giúp đỡ sau khi Ukraine cấm các chuyến hàng của công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất của Nga là Lukoil vận chuyển dầu thô qua đường ống Druzhba tới Trung Âu
Nhưng ủy ban cho biết không có bằng chứng nào cho thấy lưu lượng đã giảm hoặc có tình trạng thiếu hụt dầu vì các nhà cung cấp khác vẫn có thể sử dụng đường ống, bao gồm cả MOL của Hungary, công ty mua dầu ở Nga và không phải chịu lệnh trừng phạt của Ukraine.
Giữa tuần qua, Tổng thống Croatia Andrej Plenkovic đã viết thư cho EC và cho biết đường ống dẫn dầu nối các cảng biển Adriatic, nơi dầu vận chuyển bằng tàu có thể được đưa vào mạng lưới châu Âu, đang "được sử dụng không hết công suất".
Ông Plenkovic cũng nhấn mạnh thêm rằng cơ sở hạ tầng nhập khẩu dầu của nước này vượt quá nhu cầu quốc gia.
“Các quốc gia không giáp biển ở Trung Âu bị ảnh hưởng có cơ hội sử dụng tuyến cung cấp thay thế này để giảm hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga”, Tổng thống Croatia nhấn mạnh thêm.
Ông nói thêm rằng công ty vận chuyển dầu mỏ của Croatia đang vận hành đường ống, Janaf và “sẵn sàng đàm phán các hợp đồng dài hạn liên quan đến khối lượng lớn hơn để đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng và giảm sự phụ thuộc”.
Đường ống Adria của Janaf có công suất vận chuyển 14,3 triệu tấn dầu mỗi năm, từ nhà ga trên đảo Krk.
Hiện tại Croatia mua 2 triệu tấn và Serbia mua 3,3 triệu tấn. Ông Plenkovic cho biết MOL có hợp đồng mua 2,2 triệu tấn mỗi năm cho đến hết năm 2024.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Szijjártó đã chỉ trích lá thư của nhà lãnh đạo Croatia trên mạng xã hội, tuyên bố rằng lá thư này được phối hợp với ủy ban để gây sức ép với Hungary.
“Croatia đơn giản không phải là một quốc gia trung chuyển đáng tin cậy. Kể từ khi chiến sự nổ ra, họ đã tăng phí trung chuyển lên gấp 5 lần mức trung bình của thị trường. Họ đã khiến MOL không thể đảm bảo năng lực vận chuyển dài hạn.
Hơn nữa, họ đã không đầu tư vào việc tăng năng lực cần thiết và dữ liệu về công suất tối đa mà họ cung cấp chưa bao giờ được xác minh”, ông Szijjártó viết trên Facebook.
“Việc ngừng cung cấp dầu từ phía đông sẽ khiến Hungary và Slovakia hoàn toàn dễ bị tổn thương trước một quốc gia trung chuyển không đáng tin cậy", nhà ngoại giao hàng đầu Hungary nhấn mạnh thêm.
Trước đó, ủy viên thương mại của EU, ông Valdis Dombrovskis, ngày 31/7 đã khuyến khích Hungary và Slovakia sử dụng đường ống Adria.
Ông cho hay tại cuộc họp tuần trước để thảo luận vấn đề này với đại diện của tất cả các quốc gia thành viên EU, “một số lượng lớn đã đặt câu hỏi tại sao Hungary và Slovakia cho đến nay dường như vẫn chưa tìm hiểu các giải pháp thay thế".
Mối quan hệ giữa Hungary và EU đã xấu đi trong tháng qua sau khi Hungary đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hiện đang mâu thuẫn với Brussels trên nhiều mặt trận, trong khi nước này sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên cho đến ngày 31/12.
Hoạt động ngoại giao con thoi của ông Orbán giữa Moscow, Bắc Kinh và nhà riêng của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida đã khiến nhiều quốc gia thành viên khó chịu.
Riêng bà Ylva Johansson, ủy viên phụ trác các vấn đề nội vụ của EU, cho biết Hungary có thể vi phạm luật của khối này khi nới lỏng yêu cầu thị thực đối với công dân Nga và Belarus.
Hệ thống Thẻ quốc gia mới sẽ cho phép những người có thẻ thường trú tại Hungary được tự do đi lại trong khu vực Schengen gồm 29 quốc gia.
Trong một lá thư gửi chính phủ, bà Johansson cho biết điều này có thể dẫn tới "sự lách luật trên thực tế đối với các hạn chế mà EU đã áp đặt" đối với một số người Nga và Belarus. Bà yêu cầu Hungary trả lời các câu hỏi trước ngày 19/8 để bà có thể đánh giá xem hệ thống này có tương thích với luật pháp EU hay không.
EU yêu cầu Hungary và Slovakia từ bỏ dầu của Nga
- Khuất phục trước sức ép từ Mỹ, Mexico dần ‘quay lưng’ với Trung Quốc 02/08/2024 08:00
- Trung Quốc phục hồi chậm chạp: 'Con đường chông gai' cho DN toàn cầu 02/08/2024 03:39
- Đầu tư thời AI: Cố vấn tài chính ‘phi con người’ quản lý 20 tỷ USD tài sản 01/08/2024 11:07
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.