TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo, trong năm 2023, giá bán lẻ điện có thể tăng từ 5-7%, do giá than tăng rất cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Giá bán lẻ điện có thể tăng từ 5-7%
TS Cấn Văn Lực cho biết lạm phát thế giới đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm, nhưng Việt Nam sẽ tăng do nền kinh tế trong nước có độ trễ so với thế giới, chậm nhất là hết quý 1 năm nay.
Lý do được TS Cấn Văn Lực đưa ra là bởi, doanh nghiệp Việt Nam đa số nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất, gia công xuất khẩu. Quá trình nhập, sản xuất, bán hàng ra thị trường cần một thời gian nhất định.
"Có thể hiểu, doanh nghiệp nhập các nguyên liệu về, sau đó sản xuất hàng hóa, rồi bán hàng, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cuối cùng cho sản phẩm (nhập khẩu lạm phát) đó, độ trễ mất khoảng 6 tháng", ông Lực nói.
Trong bối cảnh đó, với nhiều chi phí đầu vào sản xuất tăng, bắt buộc Nhà nước trong thời gian tới phải điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng nhất định. Chẳng hạn, tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục…
Riêng về vấn đề giá điện, theo TS Cấn Văn Lực, do giá than tăng rất cao trong thời gian qua, chi phí sản xuất điện cũng "phi mã", cho nên, người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023, dự báo 5-7%.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ tới 31.000 tỉ đồng trong năm 2022, trong khi, chi phí đầu vào tăng, giá than tăng mạnh, nếu không được tăng giá điện thì EVN lỗ lớn. Từ đó tác động tới an ninh năng lượng, không đảm bảo cung ứng điện", ông Lực nói.
Giá bán lẻ điện có thể tăng từ 5-7% trong năm 2023
Giá than "phi mã", ảnh hưởng đến sản xuất điện
Lo ngại tăng giá điện tác động đến lạm phát là có, nhưng chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức đánh giá so với tác động của các chính sách tài khoá, tiền tệ thì tác động này không lớn bằng.
Lạm phát năm 2022 giữ ở mức có hơn 3%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, chủ yếu là vì chính sách tài khoá và tiền tệ chặt chẽ. Việc đưa ra lạm phát năm 2023 là 4,5% là con số chấp nhận được, không cần thiết phải kiềm chế ở mức thấp như năm 2022.
"Việc tăng giá điện là điều bắt buộc. Nếu không, trước mắt EVN phải đối mặt giảm lương, nợ lương, thiếu tiền trả cho các nhà máy điện. Sau đó, các nhà máy điện thiếu tiền mua than, khí. Nếu vẫn tiếp tục kéo dài, có thể sẽ không mua được than, khí để phát điện. Người lao động có thể sẽ nghỉ việc vì nợ lương lâu.
Ngoài ra, các hợp đồng tín dụng cũng có thể bị liệt vào diện nợ xấu. Lâu dài nữa ngành điện hết tiền đầu tư, hạ tầng xuống cấp, không có nguồn điện mới bổ sung vào hệ thống", ông Đức nói.
Trên thực tế, giá than nhập tăng 2,32 lần so với năm 2021, tăng 5,3 lần so với năm 2020; giá dầu tăng 1,22 lần so với năm 2021, tăng 2,06 lần so với năm 2020; tỉ giá năm 2023 dự kiến cao hơn bình quân tỉ giá năm 2022.
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho hay giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Theo chỉ số giá than nhập NewCastle Index bình quân năm 2021 đạt 138 USD/tấn.
"Giá than nhập khẩu tăng không chỉ làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập, mà còn làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập)", ông nói.
Trong năm 2022 tính tới hết quý 3, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh tăng giá than trộn và 1 lần điều chỉnh giảm giá với tổng mức tăng từ khoảng 802.000 đồng/tấn đến 985.000 đồng/tấn tùy từng loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%.
Tổng công ty Đông Bắc đã 4 lần điều chỉnh tăng giá than trộn và 1 lần điều chỉnh giảm giá với tổng mức tăng từ khoảng 804.000 đồng/tấn đến 986.000 đồng/tấn tuỳ từng loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.